Quảng Bình: Xã Tiến Hóa xây dựng NTM gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Xã Tiến Hóa là một xã miền núi, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ bão. Điều kiện kinh tế người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất.
Qua gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã chú trọng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó tạo thành một phong trào lan tỏa về thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong nhân dân.
Thôn văn hóa Tây Trúc, xã Tiến Hóa. |
Bên cạnh đó, các tổ chức hội chính trị xã hội góp phần tích cực trong truyên truyền các thành viên của hội mình tham gia phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế. Hội Cựu chiến binh đã chỉ đạo các cấp hội trong cả nước hưởng ứng, tham gia, gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”. Hội Nông dân đã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ đường biên, mốc giới, chủ quyền biển đảo thông qua các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới”,” Nông dân tham giao bảo vệ AN-QP”. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động 5 phong trào xung kích và 4 phong trào đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp...
Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Nhân dân xã tích cực tham gia hiến đất mở rộng đường vào UBND xã, xây dựng đường GTNT,…
Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án phát triển kinh tế của huyện, đặc biệt là đề án phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016-2020 của huyện. Đến nay, tỷ lệ đàn bò lai của xã chiếm 85%/tổng đàn bò hiện có. Tuyên truyền vận động bà con duy trì, phát triển tổng đàn, chất lượng đàn gia súc, gia cầm; Đến nay, trên địa bàn xã có 4 Tổ hợp tác chăn nuôi được thành lập và đi vào hoạt động. Trong đó có 2 Tổ hợp tác chăn nuôi bò lai, 1 Tổ hợp tác chăn nuôi lợn và 1 Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật; có 1 Trang trại chăn nuôi ở thôn Thanh Trúc và nhiều gia trại chăn nuôi tổng hợp hoạt động có hiệu quả. Có 2 Tổ hợp tác làm dịch vụ nông nghiệp cũng đang được đầu tư phát triển góp phần đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa các ngành nghề nông nghiệp ở nông thôn.
Ở xã Tiến Hóa, thời gian qua đàn bò lai đang phát triển nhanh, thay thế dần đàn bò cỏ chất lượng thấp. |
Chính quyền xã Tiến Hóa cũng tích cực quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các lĩnh vực khác để kêu gọi thu hút đầu tư. Đến nay trên địa bàn xã có 28 đơn vị, công ty và doanh nghiệp, có 3 hợp tác xã và 01 cơ sở cán tôn đông lạnh - sữa chữa máy công nghiệp đang hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư phát triển một số ngành nghề nông thôn như cơ khí, sửa chữa, mộc, nề xây dựng, làm bún bánh…nhằm giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Cụ thể trên địa bàn xã có 06 cơ sở cơ khí, 8 cơ sở sữa chữa xe mô tô, 10 cơ sở mộc, 45 tổ thợ nề, 03 cơ sở làm bún bánh và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác hoạt động có hiệu quả đã giải quyết được việc làm, ổn định đời sống cho nhiều lao động nông thôn và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển.
Chính sách giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn được xã Tiến Hóa lồng ghép trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất Thương mại, dịch vụ và xuất khẩu lao động.
Năm 2019, xã Tiến Hóa phấn đấu về đích xây dựng NTM. |
Trong giai đoạn 2015 - 2018, ngành thương mại - dịch vụ đang ngày càng phát triển tích cực đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt và đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận, đồng thời đã tạo việc làm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển KTXH của địa phương.
Giá trị sản xuất ngành Thương mại - dịch vụ tăng cao qua từng năm và đang chiếm tỷ trọng lớn trong có cấu ngành kinh tế của địa phương. Nếu như năm 2015 tỉ đạt 93,68 tỷ đồng, (chiếm 51,68 %); năm 2017 đạt 139,46 tỷ đồng, (chiếm 51.91 %). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2018 là 22,1%.
Về lĩnh vực xuất khẩu lao động ngoài, địa phương đang triển khai có chiều hướng phát triển tốt đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ngoài giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động còn tạo ra nguồn thu nhập chính cho người lao động và gia đình đã góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Theo thống kê của UBND xã, hàng năm có trên 60 lao động đi xuất khẩu ngoài. Và tính đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 250 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài mang lại thu nhập cao, ổn định. Nhiều người đã thoát được nghèo khó và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực trong sự phát triển và nâng cao thu nhập xã hội cho địa phương. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 38,01 triệu đồng/người/năm.