Học thêm chuẩn bị vào lớp 1: Con "nhai lại" kiến thức, cô giáo ỷ lại
Đừng để trẻ phải “nhai lại” kiến thức
Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đừng quá đặt nặng lên các con về việc học chữ, mà ở độ tuổi này trẻ cần được chú ý hơn ở việc hình thành kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa.
“Nhiều phụ huynh đang rất băn khoăn có nên cho trẻ đi học trước để sẵn sàng vào lớp 1 hay không, tôi khẳng định điều này thực sự không cần thiết. Các mẹ nên nhớ một điều rằng, kể cả có được học trước thì vào năm học các con vẫn phải học lại y nguyên chương trình đó, không thể có học hơn về nội dung”, TS Hương nhấn mạnh.
Theo chương trình, khung nội dung kiến thức đã được định sẵn và chia rõ lượng kiến thức mà trẻ sẽ được học theo từng ngày, vì vậy kể cả trẻ có được học trước thì vào năm học các cô cũng không thể thêm bớt nội dung để dạy khác đi được. Và vấn đề “nhai lại” kiến thức là hoàn toàn xảy ra, điều này là vô cùng lãng phí.
Phân tích về việc không nên “nhồi” kiến thức sớm cho trẻ từ lớp 1, TS Hương đưa thêm dẫn chứng: “Những người nhận dạy kiến thức trước cho các bé liệu có dám chắc là họ dạy theo đúng chuẩn giáo dục?
Nếu thuê những cô giáo đã nghỉ hưu, các cô giáo này đã dạy từ cách đây mấy năm trước thì chương trình học mới của các cháu như thế nào, liệu các cô có nắm chắc?
Hay nếu bố mẹ có thuê gia sư, đúng chuyên ngành thì không nói, nhưng nếu trái chuyên ngành như sinh viên trường kinh tế, xây dựng,… thì dù các bạn ấy có giỏi nhưng về chuẩn chương trình giáo dục cho trẻ thì thực sự là các bạn không hề nắm được. Điều này là rất nguy hiểm”
Trong khi đó, theo bà Hương, vào năm học, các giáo viên dạy ở trường vẫn sẽ phải tuân thủ theo đúng chương trình chuẩn, vì nếu không đúng thì chính các cô cũng sẽ là người chịu ảnh hưởng.
Nếu cho các bé học trước thì khi vào năm học các con không phải học mà các cô sẽ chỉ còn việc ra bài tập cho các cháu làm, việc các cô buông lỏng chú ý tới các bé là hoàn toàn xảy ra.
Khi mà không hề có học trước, thì các cô sẽ phải tập trung vào việc giảng dạy cho các cháu, khi đó các bé mới được học theo đúng nghĩa chuẩn nhất. Trẻ không học trước một chữ gì, cũng sẽ làm mất đi suy nghĩ “ỷ lại” rằng bố mẹ cho con đi học trước của các cô. Từ đó, chính bản thân các giáo viên sẽ phải nỗ lực đầu tư giáo dục học sinh của mình một cách thực chất.
Tuy nhiên, TS Hương cũng lưu ý, để thực hiện được những điều này, bố mẹ cũng phải rất kiên nhẫn và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chấp nhận việc có thể có những chê bai ban đầu khi các con có thể học yếu, chậm tiếp thu,… Song, đấy là những điêu hết sức bình thường và phụ huynh cần có sự chuẩn bị sẵn.
Trước hết hãy dạy trẻ có văn hóa
TS Hương cho rằng, ở độ tuổi này, trước khi dạy trẻ học chữ hãy dạy trẻ học cách làm “người có văn hóa” bởi sớm hay muộn các bé cũng sẽ biết chữ.
“Nhiều trẻ nhỏ hiện nay gặp ông bà hay những người lớn tuổi, chỉ biết nghểnh mặt lên nhìn, và rất ít bé biết khoanh tay mở miệng chào người lớn. Mặt khác, khi bắt đầu vào ăn, chưa nói đến mời người lớn tuổi nhất thì người lớn tuổi nhất phải ăn trước, rồi các bé mới ăn sau, thế nhưng bây giờ hầu như chả ai dạy trẻ con những điều như thế, cứ vào mâm là ăn không kể những người xung quanh”, bà Hương nêu lên thực tế.
Vì vậy, cần phải tập cho trẻ một nguyên tắc, trong mâm cơm cần chờ mọi người vào đầy đủ, người lớn tuổi ăn trước rồi các bé mới được ăn. “Có hôm học ngoại khóa, các cô vào mâm sau, trên mâm đã không còn gì để ăn, vì cứ vào mâm là các cháu đã “đánh” tan tành. Mỗi bát của các cháu, bát nào cũng 5 miếng chả.
Đây thực sự là những điều bọn trẻ phải học đầu tiên. Việc học chữ trước là hoàn toàn chưa cần thiết, mà theo tôi cũng không phải vội làm gì cả”, bà Hương nói.
Trước câu hỏi của nhiều phụ huynh về tính thiếu tự tin của trẻ khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đặc biệt, như khi bị ai chê một điều gì đó thì một số trẻ cảm giác như “co mình” lại, TS Hương nói: "Đấy là do bố mẹ đã bao bọc các con quá nhiều!
Điều này hầu như các bậc phụ huynh đều mắc phải. Đấy như là một phản ứng tự vệ của các con, khi mà bố mẹ bao bọc quá nhiều sẽ hình thành một thói quen như thế.
Khác với người nước ngoài, khi trẻ vừa được sinh ra đã được để vào nôi, không ngủ cùng bố mẹ. Người Việt mình cứ nghĩ như vậy là tàn bạo với con nhưng thực ra như thế đã giúp con làm quen với việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài khi còn bé”.
Bà Hương phân tích thêm, việc bao bọc sẽ càng khiến trẻ bị yếu người đi, và khi cảm giác yếu đuối thì chúng luôn có tâm thế sợ sệt, cần tự vệ khiến trẻ thiếu tự tin là điều hoàn toàn tất yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ có thói quen lười suy nghĩ và thụ động.
Vì vậy, chỉ bằng cách phá vòng bao bọc ấy ra mới có thể giải quyết vấn đề, và trách nhiệm không ai hết thuộc về bố mẹ.
Trong buổi trao đổi, một phụ huynh tỏ ra lo lắng về hành động “dở khóc dở cười” của con: “Hầu như nhiều trẻ ở độ tuổi này thường có tò mò thò tay vào các ổ điện. nhưng nó bị giật rồi lại nghĩ tay của ông bỏ vào thì chắc không giật nên cho cả tay ông vào…khiến cả hai ông cháu đều bị giật điện”.
Gỡ rối về những hành động nghịch dại của trẻ ở lứa tuổi này, TS Hương cho rằng, thay vì giảng giải cho trẻ ổ điện nguy hiểm như thế nào (vì thực ra ở tầm tuổi này trẻ chưa hiểu hết được vấn đề) thì cần phải làm sao để trong tiềm thức trẻ nghĩ đến ổ điện, ấm nước sôi,… là một điều gì đó rất khủng khiếp.
Ví dụ như khi thấy trẻ tiến tới gần bố mẹ hãy quát thật to. Điều này khiến cho trẻ bị ấn tượng bởi ổ điện hay ấm nước sôi là những thứ kinh hãi đến nỗi bố hoặc mẹ phải hét lên sợ hãi như thế, từ đó trẻ sẽ không dám tiến lại gần.