Học sinh phải biết ứng xử từ những gì nhỏ nhất trong trường học
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.
Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Trong nhà trường, mỗi học sinh phải được dạy từ văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, sử dụng mạng xã hội lành mạnh đến việc đối xử với bạn bè, ứng xử với thầy cô, bố mẹ ra sao.
Trên thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ GD&ĐT triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức tuy nhiên kết quả mang lại chưa cao. Trước tình hình này, thời gian qua, Bộ GD&ĐTđã yêu cầu các cơ sở giáo dục một mặt yêu cầu tăng cường an toàn trường học, một mặt yêu cầu tăng cường văn hóa ứng xử, quy tắc ứng xử trong nhà trường, giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh và học sinh cũng như giữa thầy cô và phụ huynh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc xây dựng và triển khai vấn đề ứng xử văn hóa trong trường học là hết sức cần thiết. Hiện nay các trường sư phạm đang “bỏ quên” việc dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử sư phạm cho những giáo viên tương lai.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, trong quy tắc ứng xử trong trường học nhất thiết phải đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho học sinh quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tạo điều kiện để người thầy làm việc, phát huy sáng tạo của mình. Chỉ khi nhà trường thực sự dân chủ, ứng xử trên nguyên tắc biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau thì mới có thể ngăn chặn được vấn nạn bạo lực học đường.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, từ năm học 2021 trở đi các cơ sở giáo dục phải phấn đấu có ít nhất 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Cùng với đó có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) |
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, cùng việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sự phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Thời gian qua, tại nhiều cơ sở giáo dục đã phát động tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn mang lại hiệu quả tích cực, như: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử trong cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa học đường, bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học gắn với quản trị đại học; đồng thời, xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội.
Có thể thấy hầu hết học sinh, sinh viên ứng xử có văn hóa, lễ phép, kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi, sống trách nhiệm với gia đình; có lối sống đẹp, văn minh, lịch sự, có hành vi ứng xử văn minh, hợp tác, thân thiện, tương thân tương ái giúp đỡ nhau.
Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong trường gương mẫu, có thái độ, hành vi giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; sử dụng ngôn ngữ, trang phục phù hợp, tôn trọng đồng nghiệp và cha mẹ học sinh. Nhiều thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên noi theo; có nhiều tấm gương nhà giáo sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, vì học sinh thân yêu./.