Hệ thống tác chiến điện tử Bylina của Nga biến radar F-35 thành đồ “trang trí”
Quân đội Nga chuẩn bị đưa vào biên chế hệ thống tác chiến hiện đại nhất thế giới được tích hợp trí tuệ nhân tạo, nó được coi là “khắc tinh” của các thiết bị điện tử Mỹ và NATO.
Nga và Mỹ đang tiến hành “trò chơi” mới của New START?
Nga và Mỹ vẫn đang có nhiều sự bất đồng về New START, mặc dù Nga thể hiện thành ý, nhưng Mỹ tiếp tục có những ngưỡng cửa mới, cả hai dường như đang chơi trò “mèo vờn chuột”.
Thời báo Izvestia dẫn nguồn tin từ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết, các lực lượng tác chiến điện tử của Nga đã làm tốt công tác chuẩn bị tiếp nhận quy mô lớn hệ thống tác chiến điện tử (EW) RB-109A Bylina. Đây được coi là sản phẩm có thể vượt qua tất cả các hệ thống EW hiện có trên thế giới.
Hệ thống tác chiến điện tử khủng nhất thế giới RB-109A Bylina. Nguồn: people.com.cn |
Tính năng lớn nhất của hệ thống này là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), có thể tự động phân tích môi trường chiến trường, phát hiện và xác định mục tiêu và phân loại mục tiêu; tự động xác định phương pháp tốt nhất để triệt tiêu thiết bị liên lạc của đối phương.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, đến năm 2025, tất cả các đơn vị tác chiến điện tử của Nga sẽ sở hữu hệ thống Bylina. Hiện nay, hầu hết các quân khu của Nga đều xây dựng Lữ tác chiến điện tử, mỗi Lữ đều được biên chế thành Trung tâm chỉ huy, 4 Tiểu đoàn và 1 Đại đội độc lập.
Các thiết bị tác chiến điện tử của Quân đội Nga. Nguồn: people.com.cn |
Nhiệm vụ chiến đấu của các Lữ này bao gồm chế áp tín hiệu liên lạc, dẫn đường hàng hải và chỉ huy hệ thống thông tin; can thiệp vào các vệ tinh quân sự; định vị và can thiệp vào các đài vô tuyến điện công suất nhỏ của từng binh sĩ; giám sát và chặn nghe tín hiệu thông tin liên lạc di động. Sau khi trang bị hệ thống tác chiến điện tử Bylina, hiệu suất tác chiến điện tử của Quân đội Nga sẽ tăng từ 40% đến 50%.
Trong chiến tranh hiện đại, nhiệm vụ trọng yếu của các hệ thống tác chiến điện tử là chế áp hiệu quả các tín hiệu của thiết bị điện tử đối phương, đồng thời không can thiệp vào hoạt động bình thường của các thiết bị bên mình. Tuy nhiên, binh lính điều khiển chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công để khống hệ thống tác chiến điện tử, nên rất khó để nắm bắt chính xác các thiết bị điện tử khác nhau.
Tổ hợp Bylina có thể lặng lẽ phá hủy radar đối phương. Nguồn: people.com.cn. |
Hệ thống Bylina có thể tự quyết định các phương pháp can thiệp, sử dụng tần số nào và công suất bao nhiêu để chế áp các mục tiêu khác nhau dựa trên nhiều loại thông tin khác nhau trên chiến trường.
Hệ thống tác chiến điện tử Bylina được trang bị trên 5 xe dã chiến có tính cơ động cao, do vậy khi đến vị trí, nó có thể được đưa ngay vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Sau khi triển khai, hệ thống có thể tự động thiết lập liên lạc với các sở chỉ huy cao cấp, các tiểu đoàn, sở chỉ huy đại đội và các mạng liên lạc do các trạm tác chiến điện tử độc lập thiết lập, đồng thời trao đổi thông tin theo thời gian thực.
Với việc sử dụng công nghệ AI, hệ thống Bylina có thể nhanh chóng xác định các trạm phát sóng, hệ thống thông tin liên lạc, radar và tín hiệu vệ tinh của đối phương trên chiến trường trong thời gian vài giây. Hiện tại, hệ thống tác chiến điện tử mới này đã vượt qua các bài kiểm tra toàn diện và sẽ chính thức được trang bị cho quân đội sau khi đánh giá đầy đủ.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4. Nguồn: people.com.cn |
Thời gian gần đây, Quân đội Nga đã trang bị các hệ thống tác chiến điện tử đa dạng với các mục tiêu khác nhau, đáng chú ý là hệ thống tác chiến điện tử di động Divnomorie chuyên dùng chế áp các loại radar và thiết bị điện tử trên không, chủ yếu để gây nhiễu, can thiệp điện tử đối với các máy bay cảnh báo sớm như E-3 Sentry và E-2 Hawkeye của Mỹ.
Hệ thống Murmansk-BN có thể chế áp mọi loại tín hiệu liên lạc trong bán kính 8.000 km và chặn liên lạc giữa tàu chiến, máy bay, máy bay không người lái, sở chỉ huy của đối phương.
Các hệ thống tác chiến điện tử Moskva và Krasukha được coi là “khắc tinh” của thiết bị liên lạc điện tử trên không, và chủ yếu được sử dụng để chế áp các radar, hệ thống thông tin liên lạc và liên kết điều khiển UAV của đối phương. Các hệ thống tác chiến điện tử này có thể tạo thành một hệ thống thống nhất để can thiệp vào tất cả các phương tiện bay.
Moskva-1 là tổ hợp radar theo dõi các mục tiêu trên không ở khoảng cách 400 km. Nguồn: people.com.cn |
Trong chiến tranh hiện đại, tác chiến điện tử có vai trò đặc biệt quan trọng, hiện nay, nhiều loại hệ thống tác chiến điện tử mới liên tục được trang bị quân đội, mang lại cho Nga một lợi thế nhất định trong chiến trường tương lai.
Các chuyên gia về chiến tranh điện tử phương Tây tin rằng, hệ thống tác chiến điện tử là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất của Quân đội Nga. Khi được trang bị hệ thống Bylina, các đơn vị tác chiến điện tử của Nga sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn nữa cho NATO và Mỹ, đặc biệt radar của siêu tiêm kích F-35 và máy bay trinh sát, cảnh báo sớm AWACS sẽ trở thành vật trang trí trước Bylina.
Đức Trí (lược dịch)