Nga và Mỹ đang tiến hành “trò chơi” mới của New START?
Nga và Mỹ vẫn đang có nhiều sự bất đồng về New START, mặc dù Nga thể hiện thành ý, nhưng Mỹ tiếp tục có những ngưỡng cửa mới, cả hai dường như đang chơi trò “mèo vờn chuột”.
Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) đã trở thành hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân giữa hai nước và sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Hiện tại, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc có nên gia hạn Hiệp ước sau khi hết hiệu lực hay không. Gần đây, phía Nga nhắc lại “thành ý” của mình và cũng chấp nhận đưa một số vũ khí hạt nhân mới nhất của Nga vào Hiệp ước, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa có phản ứng tích cực nào với điều này.
Nga liên tục thể hiện thành ý về New START với Mỹ. Nguồn: eastday.com. |
Nga đưa ra những lựa chọn mới
Theo hãng thông tấn Associated Press của Mỹ, trong cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Nga và Mỹ, cả hai bên đã đề cập đến vấn đề New START. Tổng thống Putin tái khẳng định việc Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước và đề xuất rằng, nếu Mỹ chấp nhận đề nghị kéo dài hiệu lực của Hiệp ước, Nga sẽ sẵn sàng đưa một số vũ khí mới nhất vào Hiệp ước này.
Ngoài ra, trong các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, ông Lavrov cũng liên tục đưa ra những tín hiệu tích cực về việc sẵn sàng gia hạn hợp đồng. Ngày 17/4, ông Lavrov tuyên bố rằng, Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ để xây dựng một Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân mới, nhưng cần duy trì Hiệp ước hiện có trong quá trình xây dựng Hiệp ước mới.
Nga sẵn sàng đưa tên lửa siêu vượt âm Avangard vào New START. Nguồn: eastday.com. |
Ông Lavrov nhấn mạnh, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân cần xem xét đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu, “các Hiệp ước hiện tại là nền tảng của an ninh toàn cầu, nên nó phải được giữ lại”.
Các vũ khí mới được Nga đề xuất đưa vào phạm vi của Hiệp ước chủ yếu đề cập đến vũ khí vượt siêu âm. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat mới và tên lửa vượt siêu âm Avangard (Tiên phong) có thể được đưa vào Hiệp ước cùng với các vũ khí hạt nhân khác của Nga.
Ông Ryabkov trước đó cũng cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận về các vũ khí hạt nhân mới trong các cuộc đối thoại chiến lược, bao gồm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik và siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon mang sức mạnh hủy diệt của Nga. Nguồn: eastdaycom. |
Mỹ phản ứng tiêu cực
Mặc dù phía Nga đã thể hiện sự chân thành trong vấn đề New START, nhưng chính quyền Trump vẫn liên tục đưa ra các “ngưỡng cửa” mới. Theo quan điểm của chính quyền Trump, New START là một “giao dịch tồi tệ” do chính quyền Obama để lại, điều này rõ ràng có lợi hơn cho Nga và hạn chế nghiêm trọng khả năng hạt nhân của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đệ trình báo cáo lên Quốc hội tuyên bố rằng, mặc dù Nga đã tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước, nhưng thỏa thuận này vẫn không bao gồm đủ các hệ thống vũ khí. Chính phủ Mỹ đang tìm kiếm một hệ thống kiểm soát quân sự có thể cung cấp một chiếc “ô an ninh” thực sự cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, nhưng chưa có quyết định gì về New START.
Tổng thống Trump liên tục đưa ra ngưỡng cửa mới trong New START. Nguồn: eastday.com. |
Xu hướng “đáng sợ”: Hạt nhân hóa vũ khí siêu vượt âm
Một số nhà phân tích tin rằng cùng với sự phát triển và triển khai tên lửa vượt siêu âm của Mỹ và Nga, thì hạt nhân hóa vũ khí vượt siêu âm đã trở thành chủ đề quan tâm của cộng đồng kiểm soát vũ khí. Việc đưa vũ khí vượt siêu âm vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí một mặt thể hiện sự chân thành của Nga trong việc gia hạn Hiệp ước, mặt khác cũng thể hiện xu hướng kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Theo Reuters, vũ khí vượt siêu âm có thể đưa chiến tranh hạt nhân lên một tầm cao mới: tốc độ bay của chúng nhanh hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, tính cơ động cao của chúng cũng làm cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có khó có thể đánh chặn.
Tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik. Nguồn: eastday.com. |
Khi công nghệ tên lửa vượt siêu âm tiếp tục phát triển, xu hướng hạt nhân hóa vũ khí vượt siêu âm cũng ngày càng rõ ràng, nó có thể tác động sâu sắc đến tình hình cạnh tranh hạt nhân của thế giới và hệ thống kiểm soát vũ khí.
Một số nhà phân tích cho rằng, xem xét đưa vấn đề vũ khí vượt siêu âm vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí là vấn đề cần thiết để có thể ổn định chiến lược toàn cầu. Về vấn đề này, Nga duy trì thái độ ủng hộ, trong khi thái độ của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Những năm gần đây, Mỹ đã liên tục tăng đầu tư vào lĩnh vực vũ khí vượt siêu âm.
Theo dự toán ngân sách tài khóa 2021 được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, trong năm 2021, Mỹ sẽ đầu tư 3,2 tỉ USD vào công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vượt siêu âm, tăng 23% so với năm 2020 và cao kỷ lục trong gần một thập kỷ trở lại đây. Ngoài ra, vào giữa tháng 3/2020, lần đầu tiên Lục quân và Hải quân Mỹ cùng nhau thử tên lửa vượt siêu âm trên đất liền.
Đức Trí (lược dịch)