Hà Tĩnh không có tàu vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài
Từ khi có chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), Hà Tĩnh đã quyết liệt trong công tác rà soát, tiến hành đăng ký đăng kiểm, lắp thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá.
Trước thời điểm 2017, ở địa bàn Hà Tĩnh có khoảng 40 tàu cá đánh đánh bắt khai thác hải sản ở vùng xa bờ. Tuy nhiên, sau khi có Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, Hà Tĩnh đã tuyên truyền vận động ngư dân của 40 tàu cá không còn đủ điều kiện đánh bắt xa bờ phải giải bản hoặc bán cho người ở địa bàn khác tỉnh.
Hiện nay, sau khi rà soát lại các tàu thuyền trên địa bàn, Hà Tĩnh có 101 tàu cá hoạt động đánh bắt ở vùng khơi và hơn 600 tàu thuyền đánh bắt ở vùng lộng và ven bờ. Ngoài ra, ở địa bàn Hà Tĩnh có 1 tàu cá có chiều dài 56m chỉ hoạt động dịch vụ thủy sản ở địa phận vùng biển Vũng Tàu.
Đối với 101 tàu cá có chiều dài trên 15m của Hà Tĩnh, điều kiện để đánh bắt ở vùng khơi là phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi quay trở về.
Bên cạnh đó, còn 6 tàu có chiều dài trên 15m hiện hư hỏng không hoạt động khai thác hải sản trên biển, ngư dân đã có cam kết sẽ lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát hành trình trước khi hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, đến nay tại Hà Tĩnh không có tàu cá nào vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Tuy vậy, công tác tuyên truyền đối với các tàu hoạt động ở vùng xa bờ luôn được các lực lượng chức năng quan tâm nhắc nhở và quán triệt, đã tổ chức ký cam kết không khai thác vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Ông Thắng nói thêm, sở dĩ Hà Tĩnh không có tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển là ngoài quy mô tàu cá trên địa chủ yếu vừa và nhỏ, thì yếu tố quan trọng là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp cho cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát hiệu quả các hoạt động của tàu cá khi khai thác trên biển, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép của các ngư dân tại vùng biển nước ngoài.
Theo giải thích của ông Thắng, khi có tàu cá khai thác sai vị trí, sai vùng biển thì được hệ thống thiết bị giám sát hành trình sẽ xác định được ngay. Lúc này hệ thống giám sát của Tổng cục Thủy sản sẽ báo về từng đơn vị của địa phương đó, sau đó thông báo cho ngư dân điều chỉnh vị trí khai thác đánh bắt của mình.
Ngư dân Nguyễn Đức Yên (trú ở huyện Lộc Hà), chủ tàu cá mang số hiệu HT 907658 cập cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết, tàu của anh có chiều dài 22m, có lắp đặt hệ thống giám sát hành trình và khai thác ở ngư trường vùng khơi.
“Khi tàu mình khai thác gần ranh giới với vùng biển nước ngoài, hoặc khai thác sai vùng thì được cơ quan chức năng cảnh báo. Còn đối với chủ tàu thuyền mà tự động ngắt kết nối khi đang khai thác hải sản thì bị xử phạt hành chính rất nặng, theo như quy định thì từ 300 triệu - 500 triệu đồng”, anh Yên nói.
Đến nay, Hà Tĩnh là địa phương không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài. Điều này góp phần chung với cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Kết quả đạt được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh của các nhà chức trách và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền vận động đến tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý khi có sai phạm.
Trần Hoàn