Giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập
3 nhóm vấn đề cơ bản
Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn Độc lập - Giá trị dân tộc và thời đại”. Hội thảo này là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập đối với dân tộc Việt Nam và thời đại; đồng thời, góp phần vào việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được 48 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Các báo cáo tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề cơ bản: Về Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Về Tuyên ngôn Độc lập và Sự tiếp nối tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập. Về Cách mạng Tháng Tám năm 1945: 15 tham luận đã tái hiện lại vô cùng sinh động từ hoàn cảnh lịch sử, sự phân tích về thời cơ cách mạng, những mối quan hệ dân tộc - quốc tế, dân tộc - giai cấp mà cuộc cách mạng cần phải giải quyết, vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người cầm lái con thuyền cách mạng vĩ đại, đến những nhận định, đánh giá về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - Cuộc “cách mạng hòa bình”, diễn ra nhanh chóng và ít đổ máu. Qua đó tiếp tục khẳng định Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khát vọng giải phóng dân tộc được hun đúc qua lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm, thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân được phát huy cao độ từ truyền thống đoàn kết mỗi khi có giặc ngoại xâm và cao hơn hết, Cách mạng Tháng Tám chính là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
Về Tuyên ngôn Độc lập: Các báo cáo tập trung vào 5 nội dung chính: Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam mới, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc; Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc; Tuyên ngôn Độc lập - ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, và Tuyên ngôn Độc lập - kết tinh các giá trị nhân văn cao cả của dân tộc và nhân loại.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945. |
Về sự tiếp nối tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập: Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định:70 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập sống mãi
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Anh (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh - Học viện Chính Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết tinh giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc từ bao đời. Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Trao đổi về tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, TS Đặng Văn Thái (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: Tuyên ngôn Độc lập đánh dấu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện lịch sử tư tưởng nhân loại, bản Tuyên ngôn Độc lập đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới những tư tưởng về quyền con người của cuộc cách mạng dân chủ tư sản của Mỹ và cách mạng dân chủ tư sản Pháp, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là tư tưởng của Lênin về quyền tự quyết dân tộc. Việc tiếp thu những điểm văn minh, tiến bộ của các nước trên thế giới chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không xa lạ và không đoạn tuyệt với những thành tựu tư duy văn minh tiến bộ của nhân loại mà còn có sự phát triển sáng tạo các tư duy đó.
Bàn về giá trị của Tuyên ngôn Độc lập, bà Vương Thị Nga (Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho biết: Độc lập, tự do là tư tưởng xuyên suốt trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn không chỉ thể hiện tư tưởng về độc lập dân tộc mà còn thể hiện rõ tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Theo bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập không những mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước. Sự thống nhất, biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta coi là bài học quý giá trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập sáng 2/9/1945 tại Ba Đình. Ảnh: TTXVN |