Gia tăng xuất khẩu hàng hoá thương hiệu Việt sang các nước EVFTA
Dư địa xuất khẩu hàng hoá Việt vào EU còn rất lớn
Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên.
Đáng chú ý, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đạt giá trị 27,9 tỷ EUR, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, EU cũng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 6,9 tỷ EUR, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, sau hai năm đi vào thực thi, EVFTA đã mang lại những kết quả tích cực, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng dư địa còn rất lớn. Cụ thể, thị phần của nhiều mặt hàng chiến lược của chúng ta như thủy sản, rau quả là thế mạnh nhưng thị phần vẫn còn rất thấp. Trong đó, rau quả khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.
Hiện, một số doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội và xuất khẩu được sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình sang EU như gạo Lộc Trời, sản phẩm của Công ty Đồng Dao, cà phê Vĩnh Hiệp, hồ tiêu Khương Sinh… đây là một tín hiệu rất tốt nhưng số lượng những thương hiệu như vậy còn khá khiêm tốn.
Lý giải về nguyên nhân này, ông Khanh cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại về những tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ thị trường các nước EU. Do vậy, các doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp an toàn, tập trung nhiều vào các thị trường truyền thống. Đây cũng là điểm hạn chế, làm giảm đi lợi thế “người đi đầu” của doanh nghiệp Việt Nam trong EVFTA. Điểm thứ hai là doanh nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn còn gia công khá nhiều.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng đắn. Cùng với đó, với quy mô nhỏ lẻ nên việc tham gia, tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tăng khả năng cạnh tranh để không chỉ đảm bảo về những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, những chứng chỉ và kể cả về những nội dung liên quan đến bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên tổ chức thêm các khoá đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất và đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn của EU đặt ra.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, nên mở rộng diện hàng hóa có thương hiệu Việt Nam thay gia tăng bằng số lượng thương hiệu Việt. Việc này đồng nghĩa nâng cao chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm mang thương hiệu Việt để tăng thêm sức nặng cho hàng Việt tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này. Đơn cử như mới đây, Thương vụ đã đưa thương hiệu gạo Lộc Trời vào thị trường Pháp thì không thể trong thời gian ngắn trước mắt lại đưa tiếp một thương hiệu gạo khác vào để quảng bá. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các thương hiệu Việt.
Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đang làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho nhiều doanh nghiệp khác được hưởng lợi.
Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua được các rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng... thì nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc kiểm tra sản phẩm, để doanh nghiệp có thể đảm bảo hàng hóa của mình an toàn và xuất khẩu sang thị trường phía bạn mà không bị trả lại. Đồng thời có những thông tin cụ thể về quy trình đưa hàng hoá vào EU để doanh nghiệp dựa trên cơ sở đó để biết và tuân thủ trong việc tiếp cận thị trường.
Về những giải pháp hỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, xây dựng thương hiệu tập trung vào những nhóm, mặt hàng tạo ra những cánh chim đầu đàn. Do đó, doanh nghiệp cần chung tay cùng nhau phát triển thương hiệu cho những nhóm sản phẩm Việt Nam.
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng đủ năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ, qua đó xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Lưu Trân