Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, bứt phá rất mạnh trong quý III
Kinh tế có nhiều gam màu sáng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, kinh tế trong 10 tháng có nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP 3 quý năm 2022. Trong đó, xuất nhập khẩu (XNK), đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ... tiếp tục là bức tranh có nhiều gam màu sáng, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước tính chỉ tăng 3% so với tháng trước (công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,4%) và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; khai khoáng tăng 5%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 7,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng KNXK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.
Trong 10 tháng qua, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.
Kết quả trên cho thấy, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là bứt phá rất mạnh trong quý III vừa qua và xu hướng đó đang tiếp tục; chính là chỉ dấu cho thấy GDP sẽ tăng cao trong cả năm 2022. Kinh tế đang thu được kết quả tốt ở nhiều khu vực, lĩnh vực trong khi doanh nghiệp cũng có bước phục hồi khá mạnh, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Theo đó, trong 10 tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; hoạt động khai thác thủy sản trong tháng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng tiếp tục phục hồi trở lại, bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Với những điểm sáng kinh tế qua từng quý, một số tổ chức, định chế kinh tế quốc tế cho rằng Việt Nam là hình ảnh sáng sủa, tiêu biểu cho việc vượt khó thành công, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Theo đó, mức tăng trưởng GDP năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự báo ở mức khá lạc quan, ở mức từ 7,5-8,2%.
Nắm cơ hội cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đặt mục tiêu là kiên trì, tập trung ổn định vĩ mô, chủ động phục hồi và duy trì tăng trưởng trong giai đoạn bước ra khỏi đại dịch COVID-19. Quyết sách và định hướng đó đang thể hiện sự đúng đắn, tỉnh táo và phù hợp ở tầm vĩ mô, cũng là mục tiêu phù hợp và quan trọng nhất để đưa nền kinh tế bứt khỏi khó khăn, tranh thủ thời gian, cơ hội cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Nhằm mục tiêu trên, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát tốt thị trường trong nước, bảo đảm nguồn cung mặt hàng chiến lược để đáp ứng những cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống. Các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đều đã được chỉ thị gia tăng công suất nhằm đóng góp tối đa cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Đồng thời, có các biện pháp trực tiếp giữ bình ổn giá, kiềm chế lạm phát thiết thực, các tác động trên diện rộng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, xuất khẩu trong 10 tháng qua, đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Theo đó, năm nay, mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD là có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo tham mưu với Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng của GDP trong quý IV cũng như cả năm 2022. Ở kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, quý 4 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%, thấp hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,3 điểm %, nhưng cao hơn tốc độ tăng của quý 4 năm 2021 (5,22%). Ở kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, quý 4 cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, trong kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý 4 các năm 2016-2020. |
Lưu Trân