Gia tăng xu hướng chọn trường nghề thay vì vào đại học
Năm nay, nhiều thí sinh đã không xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh ĐH.
Khả quan hơn các năm
Theo đánh giá của nhiều trường nghề, việc tuyển sinh năm nay gặp thuận lợi nhiều hơn so với năm 2015. Ông Đàm Văn Hường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2016, nhà trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, trong đợt 1 trường nhận được 1.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển và có 750 thí sinh nhập học. Trong các ngày tuyển bổ sung, mỗi ngày cũng có 30-40 em đến nộp hồ sơ. So với năm ngoái, đợt 1 tuyển sinh có số lượng hồ sơ đăng ký và nhập học đông hơn. Nhà trường hy vọng sẽ tuyển đủ lượng hồ sơ còn lại trong đợt xét tuyển bổ sung.
Tương tự, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, cho biết: Việc tuyển sinh năm nay của trường cũng khả quan hơn so với năm 2015. Nhà trường cũng đã tuyển được gần 2.000 thí sinh các hệ. Trong đợt xét tuyển bổ sung, nhà trường tiếp tục tuyển khoảng 700 em nữa, chủ yếu ở các ngành Cơ khí, Điện - điện tử, Điện lạnh, Công nghệ thông tin, Kinh tế.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm nay, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Điện tử- Điện lạnh Hà Nội cho biết: Đối với trường Cao đẳng Điện tử- Điện lạnh số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khả quan hơn nhiều trường khác. Hiện nhà trường đã nhận được 300 hồ sơ/700 chỉ tiêu tuyển sinh. Từ nay đến tháng 11 nhà trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.
Đánh giá về bước chuyển biến trong mùa tuyển sinh năm nay, ông Đàm Văn Hường cho biết: Có thể do nhiều em thấy việc học đại học ra vẫn thất nghiệp trong khi đó, học nghề lại xin được việc nhiều hơn nên quyết định đăng ký học nghề. Như vậy, nhận thức của người dân đã ít nhiều thay đổi tích cực.
Xu hướng học nghề tăng
Hiện có xu hướng thí sinh không lựa chọn đại học mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp tăng mạnh trong năm nay. Ngoài ra còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả đại học nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Bởi học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ kiếm việc làm. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là xu hướng tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau trung học phổ thông ở nước ta hiện nay.
“Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần “khởi nghiệp” của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào đại học mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì…” ông Đạt khẳng định.
Bà Nga cũng cho biết thêm: Năm nay, có nhiều thí sinh đủ điểm sàn để xét tuyển vào các trường đại học nhưng vẫn đăng ký xét tuyển vào trường. Điều này cho thấy rõ xu hướng chuyển sang học nghề thay vì học đại học.
Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Hiện ý thức phân luồng của thí sinh cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh chỉ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước vào đại học…