Dự án ‘đắp chiếu’ hơn chục năm bỗng xin giữ lại, loạt dự án ‘treo’ ở tỉnh bị thu hồi
VICEM xin giữ lại dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ hơn chục năm tại Hà Nội
Kể từ khi được cấp phép xây dựng vào năm 2011, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nay mới chỉ xây dựng phần thô, rồi ‘đắp chiếu’, bỏ hoang hơn chục năm nay.
Nhiều hạng mục của dự án đã xuống cấp, bê tông bong tróc, rêu mốc nằm ngay vị trí ‘đắc địa’ gây mất mỹ quan đô thị.
Mới đây, Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) đã đề xuất lên Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng, đầu tư hoàn thiện dự án với lý do trụ sở đang sử dụng tại 228 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội là toà nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần và lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của VICEM tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông.
Vì thế, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Tổng công ty và các đơn vị thành viên là cần thiết.
Theo VICEM, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là gần 2.000 tỷ đồng, sau đó đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng.
Thanh Hóa thu hồi nhiều dự án ‘treo’, ‘siết’ quản lý thị trường bất động sản
Nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích gần 90 ha.
Đơn cử như dự án Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam TP Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…
Ngoài ra, liên quan đến tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn có dấu hiệu phát triển thiếu ổn định, thiếu minh bạch, có nguy cơ xảy ra bong bóng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản. Chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá bán để trục lợi bất hợp pháp.
Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật, tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân khi thực hiện các giao dịch.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương và đời sống của người dân.
Hơn 1.051 tỷ đồng tiền cọc vụ đấu giá đất Thủ Thiêm chuyển ngân sách
Theo Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP, cơ quan thuế đã xử lý xong số tiền đặt cọc của 4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm và số tiền cưỡng chế nợ thuế các đơn vị này.
Theo đó, số tiền đặt cọc của 4 công ty trúng đấu giá các lô đất khu đô thị mới Thủ Thiêm được chuyển vào ngân sách Nhà nước, vì các đơn vị trên đã vi phạm hợp đồng trúng đấu giá nên phải chấp nhận mất tiền đặt cọc trước đó.
Tổng số tiền 4 công ty này mất cọc hơn 1.051 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Sheen Mega mất tiền đặt cọc hơn 203 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dream Republic mất cọc hơn 115 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt mất cọc hơn 588 tỷ đồng và cuối cùng là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà thương mại Bình Minh mất cọc hơn 145 tỷ đồng.
Đối với số tiền cưỡng chế từ tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế sẽ hoàn trả lại vào tài khoản của các công ty đã cưỡng chế, vì khi huỷ kết quả trúng đấu giá thì các công ty trúng đấu giá 4 lô đất trước đó cũng hết nghĩa vụ thực hiện theo hợp đồng trúng đấu giá, cơ quan thuế cũng đã thu hồi thông báo cưỡng chế thuế.
Loạt dự án đủ điều kiện mở bán ở Bắc Ninh
Nhiều dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai vừa được tỉnh Bắc Ninh công bố.
Đơn cử như, khu nhà ở Belhomes do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh là chủ đầu tư; Khu nhà ở, thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (phần dự án Công ty cổ phần Đệ Tam nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh), do Công ty cổ phần Đệ Tam là chủ đầu tư; Khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ, công nhân viên Khu công nghiệp Yên Phong do Tổng công ty Viglacera – CTCP là chủ đầu tư.
Tòa nhà CT3 tại Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, do Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng là chủ đầu tư; Khu tổ hợp thương mại, văn phòng và căn hộ Vigalcera Ngã 6, TP.Bắc Ninh, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Viglacera là chủ đầu tư; Tòa nhà thương mại, dịch vụ, văn phòng và chung cư để bán tại đường Huyền Quang, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam là chủ đầu tư….
Thảo Nguyên (t/h)