Xuất hiện bất động sản ‘ngộp’, cắt lỗ, muốn mua kiểm chứng cách nào?
Với lý do cần vốn để thanh toán ngân hàng hay cần tiền bán đất ngộp để có vốn kinh doanh Tết; thậm chí có rao bán pha chút hài hước như “chủ ngộp, quá ngộp rồi cần bán lô đất… để mua ô xy về thở gấp”…. là những rao bán đất đã và đang xuất hiện trên thị trường bất động sản hiện nay
Qua tìm hiểu, các lô đất rao bán ngộp, giá rẻ này có diện tích từ vài chục mét đến hàng nghìn mét vuông đất. Các miếng đất rao bán ngộp, cắt lỗ chủ yếu tập trung ở một số khu vực tại Đồng Nai, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Bình Dương, Khánh Hòa, (Bảo Lộc) Lâm Đồng….
Đơn cử, một lô đất có diện tích rộng hơn 2.700m2 ở Long Khánh (Đồng Nai) đang rao bán cắt lỗ với giá 3,8 tỷ đồng.
Theo chủ mảnh đất này giới thiệu, khu đất vuông vức, mặt tiền bám đường ô tô đi thoải mái; thích hợp để đầu tư xây dựng nhà vườn, khu nghỉ dưỡng.
Rao giá bán 1,4 triệu đồng/m2, chủ mảnh đất này cho biết trên thị trường không ái bán dưới 1,8 triệu đồng/m2; vì cần tiền để thanh toán ngân hàng nên bán giá tốt nhất thị trường.
Hay một mảnh đất hơn 4.500m2 đất vườn có 300 thổ cư ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cũng đang được rao bán với giá 2,2 triệu đồng/m2 với lý do ‘ngộp’ ngân hàng nên cần bán gấp.
Theo đó, mảnh đất có hai sổ và chấp nhận bán riêng từng sổ, mong muốn bán nhanh nên sẵn sàng trả phí môi giới 1% nhưng không nhận kê giá.
Thậm chí một mảnh đất chỉ có diện tích 85m2 ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) do chủ cần tiền kinh doanh Tết nên cũng đang rao bán với giá hơn 700 triệu đồng.
Theo rao bán, mảnh đất đã có sổ hồng riêng và nếu ai có thiện chí mua thì sẵn sàng thương lượng giảm giá thêm.
Trước những thông tin rao bán các mảnh đất ‘ngộp’, ‘cắt lỗ’, giá rẻ trên thị trường, với người mua, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì làm sao để có thể kiểm chứng được mức giá rao có thực sự là giảm, là ‘cắt lỗ’?
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn gợi ý, khi chưa đến thực địa, nhà đầu tư có thể tìm hiểu giá thông qua các báo cáo dữ liệu về thị trường, xem lịch sử thông tin giá bất động sản ở khu vực định đầu tư. Tham khảo giá giai đoạn 3-6 tháng trước xem mặt bằng giá là bao nhiêu và hiện giá bao nhiêu.
Cách khác là xuống thực địa tìm hiểu từ người dân xung quanh khu đất đang bán, tìm hiểu qua phòng công chứng để xem giá trước đây và bây giờ.
“Bất động sản ‘ngộp’ là phải cắt giá khoảng 10-20%, thậm chí là 30% so với giá trị giao dịch trung bình trong khoảng thời gian 3-6 tháng trước. Đó cũng là tín hiệu để người mua có thể tham khảo”, ông Quốc Anh nói.
Cũng chia sẻ với PV Infonet, ông Phương Văn Long, Tổng giám đốc GP Holding cho rằng, câu chuyện cắt lỗ, giảm giá chỉ xảy ra ở một vài thị trường như thị trường ven đô, đất nền và những bất động sản có diện tích lớn ở ven khu công nghiệp. Còn đất dự án thì khó có chuyện cắt lỗ vì những người mua đất dự án khoảng 10-20 tỷ đồng là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và có nhiều phương án xử lý tài chính.
Ông Long cho rằng, đi ‘săn’ bất động sản ‘ngộp’ không dễ. Nhà đầu tư có thể mua được đúng giá trị thật của bất động sản thì cần nắm được quy hoạch, cũng như việc phát triển khu vực trong tương lai.
“Nếu mua sản phẩm ở thị trường không nổi trội, không có tính thanh khoản cao sẽ dễ bị ‘chôn’ vốn. Vì thế, cần mua mức giá sát nhất với giá trị thực của bất động sản. Nghiên cứu kỹ cơ sở hạ tầng phát triển quanh khu vực định mua bất động sản như thế nào để có thể thanh khoản sản phẩm trong một vài năm tới. Bởi lẽ, khi đầu tư bất động sản đều phải chú ý đến sản phẩm hướng đến người sử dụng cuối cùng, người mua ở thực mới có thể thanh khoản nhanh”, ông Long lưu ý.
Minh Thư