Có vài chục triệu đồng, tôi muốn đầu tư chung bất động sản được không?
Chị Hồng Loan ở Hà Nội đang cảm thấy vô cùng hấp dẫn khi chị tìm hiểu các kênh đầu tư bất động sản được giới thiệu trên thị trường mà chỉ cần có số tiền vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Chị Loan chia sẻ, "tôi thấy trên thị trường xuất hiện việc mua chung bất động sản, chia nhỏ suất đầu tư thông qua các hợp đồng thông minh. Nếu mua một bất động sản có giá khoảng 3 tỷ đồng mà được chia thành 1.000 phần, tương ứng với các token gắn mã số blockchain để chào bán với giá mỗi phần chỉ 3 triệu đồng khiến tôi thấy háo hức khi số vốn bỏ ra không nhiều".
Tuy nhiên, chị Loan lại cảm thấy hơi e ngại khi ‘sổ đỏ’ được đơn vị phát hành nắm giữ, người mua chỉ được kiểm tra thực tế, các quy định trách nhiệm của các bên còn chưa rõ ràng, chưa cảm thấy yên tâm.
Gần đây, chị Loan lại thấy trên thị trường xuất hiện thêm hình thức mua chung bất động sản thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
“Nếu một căn nhà có giá 10 tỷ đồng, chia nhỏ thành 200 suất đầu tư, tôi chỉ cần bỏ ra 50 triệu đồng là mua được một suất. Đáng chú ý, hình thức mới này còn được cam kết lợi nhuận cho các nhà đầu tư, nếu sau 18 tháng mà tôi không có nhu cầu đầu tư tiếp, muốn rút vốn vẫn được đảm bảo lợi nhuận 6,5 – 7,5%/năm, tùy vào thời điểm tham gia đầu tư. Nghe qua thấy khá hấp dẫn, nhưng tôi vẫn băn khoăn liệu khi tham gia có rủi ro nào không?”, chị Loan thắc mắc.
Nói về mô hình mua chung bất động sản đang ‘nở rộ’ trên thị trường hiện nay, chia sẻ quan điểm với PV Infonet, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ nhà đầu tư bất động sản NAC cho rằng, việc mua chung bất động sản là xu hướng tương lai. Với nền kinh doanh độ mở đang cao như ở Việt Nam, đặc biệt giới trẻ tham gia nhiều vào chắc chắn là xu thế phát triển, tiềm năng; các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ rất quan tâm. Hình thức mua chung bất động sản sẽ là xu thế, tiên phong tạo ra nhiều cái mới.
Tuy nhiên, ông Duy cho hay, hiện pháp lý cho mô hình này chưa có, quyền quyết định của nhà đầu tư yếu, tính phụ thuộc cao, rủi ro cao.
“Hành lang pháp lý có thể vài năm tới chưa hình thành được ngay, với những đơn vị đi đầu tổ chức hình thức mua chung bất động sản có thể nhà nước sẽ để ý cho việc hoàn thành pháp lý. Còn để đưa ra luật và thực thi được luật cần quản lý chung của thị trường phải tốt.
Ở nước ngoài, từng lô, thửa đất được cập nhật trên hệ thống thông tin rõ ràng, giá bán niêm yết rõ ràng. Ví dụ, giá bán ở nước ngoài là 1 triệu đô la, phí môi giới là 5%, người mua biết rõ các quy định… Nếu công nghệ hóa nó, đưa một bất động sản bán cho 50 người, cần thông tin rõ, quản lý chặt chẽ, việc xảy ra rủi ro sẽ ít, thị trường sẽ phát triển vững mạnh. Còn ở Việt Nam, giai đoạn này là giai đoạn chuyển giao các chu trình kinh tế, phải 5 năm nữa may ra luật mới theo được thì mô hình mua chung bất động sản mới tốt được”, ông Duy đánh giá.
Cũng cho rằng mua chung bất động sản là giải pháp khá tốt cho thị trường, nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lại băn khoăn, lợi ích của nhà đầu tư tham gia vào phải như thế nào khi luật chưa có.
“Hoạt động mua chung bất động sản mở ra thị trường rất lớn, chỉ cần vài triệu đến vài chục triệu đồng có thể tham gia đầu tư mua bất động sản hàng chục tỷ đồng.
Các nhà đầu tư phải được bảo vệ, nhưng pháp luật chưa có quy định nên rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Muốn blockchain, kỹ thuật số, tiền số… thì bất động sản cũng phải số. Phải số thì mới đưa lên công nghệ số, sàn số được.
Nếu tất cả trăm người, nghìn người đến xem cái nhà này và đồng ý góp tiền cùng nhau mua và ra một hợp đồng chung thì lại khác. Nhưng đây không phải thế mà là trên sàn ảo, trên sàn thì khó kiểm tra tính pháp lý nên cần có quy định của pháp luật cho hoạt động này.
Trong lần sửa Luật Kinh doanh bất động sản cũng có đề cập về vấn đề số hóa bất động sản, quản lý bằng công nghệ với bất động sản”, ông Đính nói.
Với những phân tích của các chuyên gia, hy vọng chị Loan và những nhà đầu tư đang tìm hiểu về hình thức đầu tư mua chung bất động sản này sẽ có thêm cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng của mình.
Minh Thư