Độc đáo con đường danh nhân ở làng đại học Thủ Đức
Con đường danh nhân tại làng Đại học Thủ Đức. Trong ảnh là tượng đá Nhà sử học Lê Văn Hưu – dạng tượng đứng được trưng bày “con đường danh nhân” |
Hiện nay, rất nhiều khu di tích hay các công viên, việc trang trí bằng các khu tượng không còn lạ lẫm với mọi người. Nhưng việc tạo dựng một con đường đi bộ được trang trí bằng tượng đá là các chí sĩ, nhà văn, nhà thơ cũng hiếm gặp ở Việt Nam.
Xuất phát từ ý tưởng tôn tạo cảnh quang làm chỗ nghỉ chân, vui chơi cho các sinh viên ngoài giờ học căng thẳng trên giảng đường, Ban quản lý dự án Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng con đường đi bộ dành cho sinh viên từ nguồn kinh phí hạn hẹp.
Được biết, việc tôn tạo cảnh quan thành con đường đi bộ có nhiều hạng mục, từ xây đường, bồn hoa, trồng cây... Trong đó, độc đáo nhất là việc lựa chọn đặt các chân dung các danh nhân bằng tượng đá.
Những giờ tan trường, các bạn sinh viên thường ra con đường danh nhân thư giãn, vừa tìm hiểu về công lao các bậc hiền tài được ghi chú trên từng bục đặt các danh nhân |
Ban quản lý dự án ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã lựa chọn 10 danh nhân đó là những giáo sĩ , chí sĩ, nhà thơ …nổi tiếng như Chu Văn An, Lê Văn Hưu, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Châu Trinh.
Người giao nhiệm vụ tạc tượng chân dung các danh nhân là nhà điêu khắc trẻ Trần Thị Diệu Phương ( Q.9 – TP.HCM). Chị cho biết “Năm 2011, Ban quản lý đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh liên hệ và mình nhận trách nhiệm tạc tượng 10 danh nhân. Lúc đầu, Ban quản lý chỉ đạo tạc chân dung, nhưng khảo sát địa hình mình thuyết phục tạc tượng đứng cao 2,2 m và tượng ngồi 1,7m để phù hợp với với quang cảnh của con đường hơn”.
Chân dung Đại thi hào Nguyễn Du – dáng tượng ngồi, được hoàn thành bằng đá grannit |
Để những bức tượng đảm bảo tính nghệ thuật và thể hiện tinh thần, cốt cách của các bậc hiền tài, nhà điêu khắc trẻ Trần Thị Diệu Phương đã tham khảo các hình tượng chân dung danh nhân đã tạc trước đó trên cả nước và tìm hiểu qua các sách, báo…
Ban đầu tượng được khắc họa bằng chất liệu composit, sau đó tượng được tạc bằng đá grannit để phù hợp và bền hơn khi được trưng bày ngoài trời. Tượng dựng lên trên bệ có chiều cao khoảng 1 mét, được khắc tên, tóm tắt những công lao của các bậc hiền tài bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh ở hai bên hông.
Khác với trước đây, con đường luôn vắng người qua lại, khi được cải tạo và trưng bày các bức tượng đá đã giúp con đường trở nên sinh động. Nhiều nhóm sinh viên thường xuyên ra ngồi dưới chân dung các bức tượng các danh nhân làm bài tập nhóm, hay thư giãn.
Bục dựng tượng các danh nhân cao khoảng 1,2m và rộng 1m được ốp đá hoa cương và khắc tên tuổi, năm sinh, năm mất và tóm tóm tiểu sử bên hông bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh |
Em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – ( SV ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Từ khi con đường này được xây dựng, bọn em thường ra đây tụ tập thư giãn. Việc trưng bày những bức tượng này, em thấy con đường thêm sinh động và nhắc nhở các bạn nhớ tới công lao của các bậc tiền bối đối với đất nước”.
Mặc dù, các bức tượng đang trong quá trình hoàn tất, nhưng đã khiến con đường “chết” trở thành một công viên thu nhỏ, độc đáo, giúp tạo môi trường trong sạch, hiền hòa và văn minh hơn.
Các bức tượng nhà giáo, nhà thơ, nhà văn nằm rải rác trên con đường dẫn vào làng Đại học |