Doanh nghiệp bất động sản ‘gồng’ lỗ quyết không giảm lương, nhân sự
Thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn cung hạn chế, thanh khoản sụt giảm… cùng với việc kiểm soát chặt rủi ro tín dụng vào bất động sản, kiểm soát việc phát hành trái phiếu khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó.
Bên cạnh những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên thì hiện vẫn đang có những doanh nghiệp ‘gồng’ lỗ nhưng quyết không giảm một nhân sự nào, cũng như không cắt giảm đồng lương nào của nhân viên.
Vậy, doanh nghiệp đó là ai và họ đã có những cách ‘đi’, sự chuẩn bị như thế nào để có thể vượt qua cơn ‘bão’ khó khăn này, trụ vững trên thị trường bất động sản?
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho biết: Hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đang ‘cạn’ dòng tiền, dòng tiền vào nhỏ hơn dòng tiền ra, thậm chí dòng tiền vào bằng 0 hoặc âm thì tại Asian Holding cũng không nằm ngoại lệ khi doanh số công ty giảm đến 80-90%.
Dù doanh số giảm nhưng tất cả các chi phí về mặt bằng, tiền lương, bảo hiểm.... hàng tháng vẫn phải chi, vẫn phải đảm bảo.
“Mặc dù khó khăn nhưng tại Asian Holding đến nay vẫn chưa cắt giảm một nhân sự nào, cũng chưa giảm một phần trăm lương nào của tất cả các nhân viên, cấp bậc tại công ty. Thị trường khó khăn, chúng tôi sử dụng tài sản tích lũy những năm trước để vượt ‘bão’. Chúng tôi đã ‘gồng’ lỗ 5-6 tháng nay và hiện vẫn đang tiếp tục gồng lỗ”, ông Hậu chia sẻ.
So sánh khó khăn giữa thời điểm hiện tại với lúc xảy ra dịch Covid-19, ông Hậu cho hay, nếu như thời gian xảy ra dịch bệnh, công ty còn bán được hàng qua kênh online thì nay khi tín dụng bị ‘siết’, hàng không bán được. Bán rẻ nhà đầu tư cũng không dám bắt đáy, không dám xuống tiền; nhà đầu tư hiện cứ ‘ôm’ tiền khư khư, có tiền mặt thì cất giữ.
“Song, thời gian thị trường ‘đứng’ như thế này, chúng tôi tập trung tuyển dụng, đào tạo các nhân sự, tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho năm sau.
Chúng tôi tiếp tục đi ‘gom’ dự án. Dự án nào giá cả, quy mô phù hợp với nhu cầu, đúng thị trường mục tiêu thì chúng tôi mua. Nhân sự vẫn tiếp tục đào tạo, để sang năm đầu tư giai đoạn 2 của dự án khu đô thị ở Bình Phước khi công ty vừa mua lại; sẽ tung tra thị trường khoảng 156 căn nhà ở xã hội và gần 100 căn biệt thự liền kề. Chúng tôi luôn có sự chuẩn bị về tài chính từ nhiều năm nay”, ông Hậu chia sẻ về kế hoạch cũng như cách doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung.
Còn ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 thì cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp bây giờ là dòng vốn. Cơ thể to đến đâu không quan trọng mà quan trọng là máu có hay không. Do đó, tại Công ty chúng tôi không có chuyện thu hẹp quy mô nhân sự, chúng tôi có những phương án, chuẩn bị dòng vốn đủ để trang trải cho các hoạt động, kế hoạch của công ty.
Phải giữ được bộ khung nhân sự vì sau khi thị trường tốt trở lại, ngoài vấn đề vốn, vấn đề nhân sự rất quan trọng bởi nó quyết định sức bật của doanh nghiệp sau khủng hoảng. Kế hoạch, định hướng trong thời điểm khó khăn và sau khi hết khó khăn phải rõ ràng ngay từ đầu. Nếu có kế hoạch, định hướng cụ thể, phù hợp thì ngay cả lúc họ khó khăn chúng ta vẫn phát triển được…”, ông Quê chia sẻ thêm về giải pháp của doanh nghiệp mình.
Cũng vượt ‘bão’ mà không cắt giảm nhân sự, không cắt hoặc giảm lương, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS (BHS Group) chia sẻ, công ty may mắn bởi trong quá khứ đã chuẩn bị tất cả những giải pháp khi thị trường đang tốt và có tích lũy chuẩn bị cho lúc thị trường gặp khó khăn.
Theo ông Tuyển, quan điểm là không phát triển công ty thành một đế chế. BHS muốn tạo ra một cộng đồng. Bản thân những con người ở trong BHS cũng là một cộng đồng, ngoài ra thì có cộng đồng đối tác… Tất cả mọi người ngoài làm việc với nhau một cách hiệu quả còn có tình bạn, tình anh em.
Minh Thư