Bí ẩn doanh nghiệp vừa lập 1 tháng trúng đấu giá ‘đất vàng’, loạt dự án kêu gọi đầu tư
Doanh nghiệp 1 tháng tuổi trúng đấu giá 9.460m2 “đất vàng” Hải Phòng
Cuối tháng 11 vừa qua, quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) đã đấu giá thành công quyền sử dụng hơn 9.460 m2 đất ở trên địa bàn.
Đơn vị trúng đấu giá là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newland (Công ty Newland).
Tổng số tiền trúng đấu giá lô đất vàng hơn 9.460m2 là hơn 323,5 tỷ đồng, tăng khoảng 3,165 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Quỹ đất này dùng để thực hiện Dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị.
Đáng chú ý, Công ty trúng đấu giá lô đất nói trên vừa được thành lập ngày 18/10/2022, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập sau khi UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi, giao đất và phê duyệt giá đất để xây dựng giá khởi điểm, tổ chức đấu giá.
Công ty Newland có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Phạm Khương Duy.
Công ty có trụ sở chính tại số 11 Khu Tái định cư Vinhomes, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Ý kiến Bộ TN&MT về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 - 35% giá khởi điểm
Cho rằng việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nâng giá, dìm giá, bỏ cọc; cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá.
Trong đó, cử tri đề xuất nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định.
Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Qua triển khai với nhiều loại tài sản được đưa ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá) đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
Trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ sẽ nghiên cứu các phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, trong đó có nội dung về tỷ lệ tiền đặt trước trong quá trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Phú Yên phát triển gần 600 dự án nhà ở giai đoạn 2021 – 2025
Theo Kế hoạch để triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 mà tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt, trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 559 dự án. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nhà ở, khép kín khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khoảng 513 dự án; nhà ở xã hội khoảng 18 dự án; nhà ở tái định cư (giao đất cho các hộ dân tự xây dựng nhà ở) khoảng 28 dự án.
Cũng theo kế hoạch, diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở cần phải bố trí trong giai đoạn này khoảng 796,09ha. Trong đó, diện tích đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 424,59ha, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 53,13ha, diện tích đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 24,27ha và diện tích đất nhà ở dân tự xây là 294,09ha.
Tổng nguồn vốn cần có để phát triển nhà ở giai đoạn này khoảng hơn 77.300 tỷ đồng.
Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 39 dự án giai đoạn 2021-2025
Theo quyết định phê duyệt vừa ký, danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 có 39 dự án. Trong đó, có 9 dự án thuộc lĩnh vực khu đô thị, dân cư, nhà ở; 11 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 4 dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa và 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Lĩnh vực nhà ở, khu đô thị có những dự án tiêu biểu như Khu đô thị mới Tây Bắc (Phường Phước Mỹ và xã Thành Hải) diện tích 91.37ha; Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K3, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), diện tích 74.13ha; Khu đô thị mới Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn (phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) diện tích hơn 201ha.
Ngoài ra, còn có Khu đô thị mới Đông Nam 1 (phường Tấn Tài và phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) diện tích hơn 99ha; Khu đô thị mới Đông Nam 2 (phường Tấn Tài , thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), diện tích hơn 41ha; Khu đô thị mới núi Đá Chồng Thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) diện tích 52.93ha; Khu đô thị mới Đông Nam thị trấn Tân Sơn (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) diện tích 14ha…
Thảo Nguyên (t/h)