Thị trường bất động sản bế tắc, có cần 'giải cứu’?
Thị trường bất động sản đang gặp khó khi nguồn cung ít, thanh khoản kém, cả doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng… Nhiều ý kiến cho rằng, cần ‘giải cứu’ thị trường bất động sản tránh để rơi vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 đưa ra quan điểm, bất động sản là một ngành nghề quan trọng của nền kinh tế, vì thế nên "giải cứu".
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề "giải cứu" này, cũng có ý kiến tạm thời muốn thanh lọc thị trường, điều chỉnh giá cho phù hợp với thu nhập người dân.
Theo ông Quê, điều chỉnh mọi thứ cần linh hoạt, hợp lý, để thị trường có thể thanh khoản chậm nhưng không “đóng băng”, không đổ vỡ thị trường tài chính. Bởi khi bất động sản "đóng băng" hay xuống giá sâu sẽ ảnh hưởng đến việc tăng nợ xấu ngân hàng; ảnh hưởng domino với nền tài chính.
“Nhà nước có thể phân loại thành sản phẩm bất động sản chuyên dùng để ở, nhà thu nhập thấp để đầu tư mạnh về nhà ở xã hội, nhà tái định cư; nên cho thị trường tự định đoạt với các phân khúc bất động sản còn lại. Câu chuyện giá bất động sản Việt Nam đang quá cao với thu nhập hay thu nhập đang quá thấp so với thế giới là câu chuyện phải làm rõ”, ông Quê nói.
Ông Quê cho rằng, vấn đề ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hiện tại không phải là vấn đề tín dụng nữa mà là niềm tin. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa thông điệp rõ ràng, dứt khoát cho các cơ quan cấp dưới, chủ đầu tư, nhà đầu tư nắm được quan điểm.
Cùng với đó, cần đồng bộ luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn… cũng như các văn bản cấp tỉnh để làm sao các thủ tục đầu tư thuận lợi hơn, đỡ khó khăn. Cần có những hướng dẫn chi tiết hơn để các cơ quan cấp dưới, doanh nghiệp đỡ làm sai, nhiều khi quy định chồng chéo muốn làm nhanh, làm đúng cũng khó. Chúng ta đang bị ‘nghẽn’ vốn vì luân chuyển chậm…
“Vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp bây giờ là dòng vốn. Cơ thể to đến đâu không quan trọng mà quan trọng là máu có hay không. Do đó, tại Công ty chúng tôi không có chuyện thu hẹp quy mô nhân sự, chúng tôi có những phương án, chuẩn bị dòng vốn đủ để trang trải cho các hoạt động, kế hoạch của công ty.
Phải giữ được bộ khung nhân sự vì sau khi thị trường tốt trở lại, ngoài vấn đề vốn, vấn đề nhân sự rất quan trọng bởi nó quyết định sức bật của doanh nghiệp sau khủng hoảng. Kế hoạch, định hướng trong thời điểm khó khăn và sau khi hết khó khăn phải rõ ràng ngay từ đầu. Nếu có kế hoạch, định hướng cụ thể, phù hợp thì ngay cả lúc họ khó khăn chúng ta vẫn phát triển được…”, ông Quê chia sẻ thêm về giải pháp của doanh nghiệp mình.
Còn theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, trong năm nay và năm tới, Chính phủ nên có chương trình để hỗ trợ các nhà kinh doanh bất động sản đã phát hành trái phiếu đúng quy định, đúng mục đích; hay nên có chương trình hoãn nợ cho tất cả những nhà phát hành trái phiếu 12 tháng tới để họ phục hồi kinh tế, trả lại tiền cho nhà đầu tư…
Cùng với đó, ông Hiếu cho rằng, thông qua Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các chương trình cho vay với những doanh nghiệp bất động sản khó khăn, chương trình cho vay mua nhà cho những người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
“Ngân hàng Nhà nước hãy nới trần tín dụng từ 14% như hiện nay lên 16%. Từ đó, phân bổ lại room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, giúp ngân hàng thương mại cho vay mạnh tay hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiếu đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị tới Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Theo HoREA, các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín…
Minh Thư