Tố cáo tội phạm mua bán người ở đâu, nạn nhân mua bán khi trở về được hỗ trợ những gì?
Chị Nguyễn Thị Ánh (ở Cao Bằng) hỏi: "Tôi muốn tố cáo về hành vi mua bán người thì cần đến nơi nào? Cơ quan nào sẽ tiếp nhận, xác minh về tình trạng nạn nhân mua bán người? Khi được giải cứu trở về, nạn nhân buôn bán người có được Nhà nước hỗ trợ gì không?".
Luật sư trả lời:
Chào chị Ánh!
Căn cứ theo Điều 17, Điều 18 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định một số cơ quan tiếp nhận tố cáo về hành vi mua bán người, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào của Cơ quan Nhà nước.
Đối với những người thực hiện hành vi mua bán người thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 23 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định: Người thực hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.
Thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
Thứ hai, đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
Thứ ba là đối với người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.
Nạn nhân của nạn mua bán ngưới là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý.
Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý.
Luật sư Vũ Văn Mạnh, Cty Luật Hiệp Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.