Hơn 50% bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Theo kế hoạch, phấn đấu đến cuối năm 2023, hơn 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số. Hơn 50% bệnh viện, cơ sở y tế lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế đạt hơn 50%.
Đến cuối năm 2025, 80% bệnh viện, cơ sở y tế lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế đạt hơn 80%.
Áp dụng các hình thức thanh toán, nền tảng thanh toán số hiện đại, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của ngành y tế để phục vụ tốt cho người dân.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, mục tiêu kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động khám chữa bệnh; thúc đẩy thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán, giữa tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế tỉnh...
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, trung bình hiện nay, các bệnh viện tại Quảng Nam chỉ có từ 6-8,5% trong tổng số viện phí thu được là từ các hình thức chuyển khoản, quét mã QR hoặc sử dụng máy Pos và ATM…
Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, từ tháng 11/2019, Bệnh viện đã triển khai TTKDTM đối với chi phí khám chữa bệnh qua thẻ ATM của các ngân hàng, thông qua kết nối giao dịch trên các máy POS thanh toán của Ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên, qua thống kê năm 2021, tỷ lệ TTKDTM chỉ chiếm 8,5% trong tổng chi phí khám chữa bệnh được thanh toán.
Tại Quảng Nam, theo nhìn nhận của đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế, hạ tầng cơ sở và trang bị kỹ thuật phục vụ TTKDTM chưa thật sự hiệu quả và chủ yếu phân bổ ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Mạng lưới máy rút tiền tự động hay máy POS cũng rất hạn chế và chủ yếu được lắp đặt ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, nhà hàng... Ở nông thôn, miền núi, các hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hằng ngày, dẫn đến số lượng người dân nông thôn sử dụng thẻ ATM còn rất thấp.
PV