Đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam chiếm 20% GDP
"Đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam chiếm 20% GDP; Phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến…"
Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã cho biết tại sự kiện “Thúc đẩy kết nối: Phát triển hệ sinh thái 5G tại Việt Nam” được tổ chức vào ngày 26/8.
Với tầm nhìn “cơ sở hạ tầng về dịch vụ 5G là hạ tầng viễn thông quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0” Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu cụ thể.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã |
Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP; phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; thanh toán điện tử chiếm hơn 50%; đến năm 2030, Việt Nam phổ cập dịch vụ mang Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng thông tin, cùng với xu thế trên thế giới, trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp di động Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G trên 40 tỉnh/thành phố để đánh giá về mặt kỹ thuật và phương án kinh doanh.
Đặc biệt trong năm 2022, hạ tầng cáp quang được triển khai tới 100% thôn, bản. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh mạng 5G. Đồng thời, khuôn khổ pháp luật liên quan đến chất lượng dịch vụ, phổ tần số hiện cũng đang khẩn trương được hoàn thiện. Từ kết quả thử nghiệm và đánh giá nhu cầu của thị trường, các yêu cầu khi triển khai 5G cũng đã được xây dựng.
Ông Phong Nhã nhấn mạnh, một trong những đặc điểm lớn nhất của 5G đó là thiết kế mạng, thiết kế dịch vụ dựa trên nhu cầu của khách hàng. Để 5G thực sự mang lại hiệu quả cho tất cả các ngành nghề và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng 5G, ngoài khả năng cung cấp dịch vụ di động băng rộng, di động tốc độ cao, các dịch vụ ứng dụng dựa trên mạng 5G như Cloud gaming, AR/VR- trải nghiệm cho khách du lịch, ứng dụng trong công nghiệp như Idustry- video analytics, thành phố thông minh dựa trên phân tích video, y tế từ xa, mạng dụng riêng 5G, ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, Cloud robotics…
5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh… |
Do đó, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm những tính năng đặc biệt của công nghệ 5G tại mọi lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam trong bối cảnh về khả năng tiếp cận công nghệ, cơ sở vật chất, hạ tầng của ngành, hành lang pháp lý hiện tại để từ đó xây dựng các mô hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như có các ý kiến đề xuất, kiến nghị phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước.
Đáng lưu ý, ông Phong Nhã cũng nhấn mạnh đặc điểm lớn nhất của 5G là tổ chức mạng, xây dựng dịch vụ dựa trên nhu cầu của khách hàng, 5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh…
Do đó, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng cả cơ quan quản lý, các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp cần quan tâm, hợp tác chặt chẽ để xác định các ứng dụng tiềm năng cũng như các mô hình kinh doanh dựa trên cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G.
Trong số những nhiệm vụ nhằm triển khai 5G hiệu quả, ông Phong Nhã đặc biệt lưu ý đến sự chung tay của các bên liên quan. Bởi theo ông Nhã, hệ sinh thái 5G không phải chỉ có mạng di động 5G mà còn liên quan đến nhiều công nghệ khác nhau như IoT, Cloud, Big Data, AI… do đó nếu mỗi doanh nghiệp đi theo cách riêng của mình, kết quả sẽ tạo ra một lượng lớn các ứng dụng khác nhau, không thể hình thành lợi thế theo quy mô kinh doanh và không thể giảm chi phí R&D.
“Vì vậy, trong thời gian tới, cần sự chung tay xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác mạnh mẽ giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái Use- Case 5G (nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp giải pháp và nhà sản xuất thiết bị, cơ quan quản lý của các bộ ngành) để nhanh chóng giải quyết nhu cầu của người dân và doanh nghiệp”, ông Phong Nhã nhấn mạnh.
N. Huyền