Đề xuất hàng loạt giải pháp ‘gỡ’ khó cho thị trường bất động sản phát triển bền vững
Thị trường bất động sản khó khăn, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào bế tắc khi thanh khoản bị sụt giảm sâu, có doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh. Có doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lương, thậm chí giảm lực lượng lao động, điều này đã tác động đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động.
Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã kiến nghị tới Chính phủ một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo HoREA, giải pháp lớn nhất là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Cùng với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013, Hiệp hội đề nghị xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung do các dự án này không thể hoàn chỉnh pháp lý, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có sản phẩm bán tốt, có thanh khoản tốt, giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.
HoREA cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn kép cần phải tháo gỡ về pháp lý và vốn.
Theo ông Khương, cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp với các dự án đã triển khai, ngân hàng đã thẩm định hồ sơ thì tiếp tục giải ngân. Đối với những dự án đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, hiện cần nguồn vốn để phát triển thì cũng cần cấp vốn cho doanh nghiệp làm.
Trước những vấn đề này, một cuộc họp khẩn đã diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM do các Phó Thủ tướng chủ trì cùng đại diện Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HoREA và một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, tại cuộc họp này, Bộ Xây dựng đã nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản hiện nay, các doanh nghiệp đã nói hết được những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Các doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị cần có một Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ và giải quyết những khó khăn dứt điểm dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, tạo niềm tin và “cú huých” cho thị trường bất động sản.
Ngay sau đó, Chính phủ thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Động thái này của Chính phủ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư đang rất hồ hởi và trông chờ các giải pháp thực tế để hỗ trợ, vực dậy thị trường thoát ra khỏi tình trạng hiện nay.
Minh Thư