Con đường thành tỷ phú của người phụ nữ ham làm nông nghiệp hữu cơ
Bà Đặng Thị Cuối (sinh năm 1971) hiện đang là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Bà vinh dự là một trong 10 Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2022 nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm khi quyết tâm theo đuổi trồng rau hữu cơ công nghệ cao.
Hai vợ chồng bà Cuối từng có 16 năm đi xuất khẩu lao động, làm việc trong ngành trồng rau hữu cơ tại Đài Loan 12 năm và tại Nhật Bản 4 năm. Trong quá trình làm việc bà Cuối luôn học hỏi kinh nghiệm làm rau công nghệ cao của nước bạn, ấp ủ khi về nước sẽ phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại quê nhà.
Bà Cuối khởi nghiệp với số vốn ít ỏi và 3 sào rau trong vụ đầu tiên. Lúc này gia đình cũng chưa ai dám nghĩ tới sự thành công vì thời điểm năm 2017 tại khu vực Đan Phượng có không ít mô hình trồng rau sạch bị phá sản. Thế nhưng bà Cuối vẫn quyết tâm làm với tất cả niềm đam mê, tin tưởng của mình. Các trang thiết bị để thực hiện trồng rau hữu cơ đều được vợ chồng bà mua từ Đài Loan về.
Bà Cuối chia sẻ: "Người ta đi xuất khẩu lao động mang nhiều đô-la về cho gia đình, trong khi tôi chỉ toàn mang về đồ nghề làm vườn, kể cả đinh vít để làm nhà lưới. Ai cũng khuyên đừng làm vì làm là vỡ nợ, kể cả một số mô hình được hỗ trợ của nhà nước cũng đã phá sản".
Ban đầu bà Cuối chỉ trồng các loại rau xanh với các giống nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật, Mỹ... Về sau, cùng với quá trình dồn điền đổi thửa dần dần bà đã mạnh dạn đầu tư thuê tới 15ha đất để trồng rau hữu cơ. Giờ đây, sau 5 năm trồng rau sạch, các sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã Cuối Quý đã có chỗ đứng trên thị trường.
Trao đổi với phóng viên Infonet, bà Cuối tự hào nói: "Hợp tác xã sản xuất rau sạch hoàn toàn dựa trên nước sạch, đất sạch, phân sạch... Sản lượng hàng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau, củ, quả các loại. Hiện tại đã có 21 sản phẩm của Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP như ổi, khoai môn, bông hẹ, măng tây, rau cải ngọt...".
Theo chia sẻ của bà Cuối, doanh thu của Hợp tác xã bình quân trên dưới 1 tỷ đồng/năm, đảm bảo việc làm cho 25 lao động trong vùng với mức thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/ tháng/người trở lên. Những lúc cao điểm theo thời vụ, số lao động tại Hợp tác xã lên tới 40-50 người.
Thuận lợi khi khởi nghiệp của bà Cuối đó chính là được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chính sách dồn điền đổi thửa và cả kinh nghiệm tích lũy sau 16 năm làm trong lĩnh vực trồng rau sạch hữu cơ ở nước ngoài. "Thế nhưng khó khăn lớn nhất đó chính là nguồn vốn và đầu ra của sản phẩm" - bà Cuối cho biết.
Hiện nay, mỗi ngày 3-4 tạ rau, củ, quả của Hợp tác xã Cuối Quý được cung ứng cho hệ thống các trường mầm non trong huyện Đan Phượng, các nhà hàng, siêu thị, chuỗi cửa hàng trong TP Hà Nội và đáp ứng đơn đặt hàng từ các công sở.
"Trồng rau hữu cơ có nhiều cách nhưng phải đảm bảo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với nước sạch, không khí sạch, đất sạch, phân sạch.
Hợp tác xã áp dụng mô hình nhà màn để tránh khí thải nhà máy, xe cộ đồng thời kiểm soát được độ ẩm của đất trồng rau sẽ cho thành phẩm ngon ngọt, sạch hoàn toàn.
Sau khi làm sạch đất, gieo hạt giống thì người nông dân chỉ cần đóng cửa đi ra khỏi nhà màn và tưới nước theo công nghệ, chỉ mở cửa nhà màn khi rau đã tới lúc thu hoạch. Vì thế đảm bảo được chất lượng và năng suất cây trồng", bà Cuối chia sẻ.
Trong 5 năm qua, bà Cuối đã chia sẻ và nhân rộng mô hình trồng rau của mình cho nhiều nơi trong và ngoài huyện, thậm chí ngoài thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh. Sau khi thấy mô hình hiệu quả, nhiều bà con trong vùng cũng tham gia vào Hợp tác xã Cuối Quý. Hiện nay Hợp tác xã có 9 thành viên cùng đóng góp cổ phần, liên minh với nhau trong việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Lam Giang