CNN: Quân đội Mỹ đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc ở Biển Đông
Sau đây là những nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Jim Sciutto và cộng đồng trên mạng xã hội Reddit.
Khi bị cảnh báo tới 8 lần, phi hành đoàn trên máy bay Mỹ có tỏ ra lo ngại không?
Mỗi khi nghe thấy cảnh báo từ phía hải quân Trung Quốc, phi hành trên máy bay giám sát P-8 Posedon của Mỹ đã rất bĩnh tĩnh nhắc đi nhắc lại rằng họ đang bay trong không phận quốc tế.
Thực tế, cả hai bên đều rất chuyên nghiệp và điềm tĩnh, nhưng đôi khi tôi cảm thấy có sự khó chịu trong giọng nói từ phía hải quân Trung Quốc. Có lúc, phía Trung Quốc dường như đã hét lên: “Hãy rời khỏi đây ngay!”.
Phóng viên CNN Jim Sciutto trên máy bay giám sát P-8 Posedon của Mỹ đang giám sát trên các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Mỹ bay trên các đảo này nhưng là lần đầu tiên Mỹ công khai rộng rãi hoạt động bằng cách đưa cả phóng viên đi cùng. Đây là hành động có chủ đích. Washington muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.
Phi hành đoàn đã quen với các lời cảnh báo từ phía Trung Quốc?
Phi hành đoàn của Mỹ dường như đã quá quen thuộc với những cảnh báo từ phía Bắc Kinh. Trước đây, họ đã thực hiện nhiều chuyến bay tương tự và cũng đã gặp phản ứng tương tự từ Trung Quốc.
Cách đây một vài tháng, phản ứng từ phía Trung Quốc thậm chí còn hung hăng hơn khi dùng chiến đấu cơ chặn đầu máy bay Mỹ.
Mỹ đã chính thức khiếu nại với Trung Quốc và Trung Quốc hứa hẹn sẽ không để sự việc tương tự xảy ra lần nữa.
Hoạt động nạo hút cát để bồi đắp đảo của Trung Quốc qua màn hình trên máy bay giám sát Mỹ. |
Trung Quốc có khả năng bắn hạ máy bay Mỹ ở độ cao 15.000 feet (hơn 4.500 m) hay không?
Máy bay đang bay trên không phận ở rất xa so với bờ biển Trung Quốc nên nó nằm ngoài tầm bắn của chiến đấu cơ Trung Quốc. Tuy nhiên, tàu hải quân Trung Quốc ở rất gần, chúng tôi có thể nhìn thấy họ, và trên tàu có thể có vũ khí, có khả năng bắn tới máy bay Mỹ. Dù vậy, trong thời điểm này, việc bắn vào máy bay Mỹ rõ ràng là một hành động gây chiến và do đó, không thể xảy ra.
Mỹ đang dùng máy bay do thám, nhưng sao lại muốn công bố với thế giới?
Rõ ràng, trong trường hợp này, quân đội Mỹ muốn công khai với cả thế giới về hành động hung hăng của Trung Quốc. Theo ghi nhận từ nhóm phóng viên CNN có mặt trên máy bay, quân đội Mỹ không chỉ muốn cho thế giới biết quy mô các hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông mà còn muốn cho Trung Quốc thấy rằng Mỹ đang giám sát và đang dần mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. Về khía cạnh gửi thông điệp cho Bắc Kinh, chiến thuật này đã có hiệu quả.
Phi hành đoàn đang làm việc trên máy bay giám sát P-8 Posedon của Mỹ. |
Những động thái trên có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hay không?
Mặc dù không bên nào muốn, nhưng nguy cơ đó có thể xảy ra. Ví dụ, khi một máy bay Trung Quốc bay gần một máy bay Mỹ hay một tàu Trung Quốc áp quá gần một tàu Mỹ, thì nguy cơ xảy ra va chạm hay những sự cố đáng tiếc rất dễ xảy ra.
Sự cố tương tự đã xảy ra vào năm 2001 khi một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào một máy bay do thám EP-3 của Mỹ. Chiến đấu cơ Trung Quốc bị rơi, trong khi máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống một đảo của Trung Quốc và bị giam giữ vài ngày. Hiện tại, tình hình còn nguy hiểm hơn bởi quân đội Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều.
Hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể là một điểm khác gây bất hòa khác cho mối quan hệ Nhật – Trung hay không?
Tàu, máy bay Trung Quốc và Nhật Bản cũng có những cuộc đối đầu tương tự trong khu vực này, thậm chí còn căng thẳng hơn so với giữa Trung Quốc – Mỹ. Trong những tuần gần đây, tình hình có dịu xuống nhưng hai bên vẫn chưa có kế hoạch dài hạn để giải quyết tranh chấp đó.
Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng có tác động sinh thái thế nào đối với Biển Đông?
Các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc gây ra mối lo ngại thực sự về sinh thái. Các nhà môi trường cho rằng, đó là những thiệt hại do mâu thuẫn về ngoại giao và chính trị. Thực tế, các rạn san hô này từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong môi trường sinh thái, đặc biệt cho ngành ngư nghiệp. Tôi không phải là chuyên gia nhưng việc nạo vét đáy biển và bồi đắp đảo không thể có tác động tốt về sinh thái.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.