Chuyên gia ngữ âm phân tích bất hợp lý của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục
Ngày 13/9, Viện Ngôn ngữ học tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Cơ sở Ngôn ngữ và thực tiễn tiếng Việt trong việc dạy - học đánh vần tiếng Việt, trọng tâm là phân tích sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Diễn giả là GS Nguyễn Văn Lợi - chuyên gia ngữ âm tiếng Việt hàng đầu Việt Nam, nguyên Viện phó Ngôn ngữ học.
GS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Viện phó Ngôn ngữ học, chuyên gia nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Mở đầu bài thuyết trình, ông Lợi chia sẻ về sự phát triển của khoa học ngữ âm tiếng Việt. Tri thức về ngữ âm tiếng Việt có trước khi chữ quốc ngữ ra đời, biểu hiện là việc vận dụng âm vận học Trung Hoa để tìm hiểu về thi luật tiếng Việt. Tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại lấy thành tựu nghiên cứu từ khi chữ quốc ngữ ra đời (năm 1651) đến khi phát hành cuốn sách (năm 1977).
Sau khi Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục ra đời, nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt đã có nhiều thành tựu mới. Ví dụ, trước đây mọi người quan niệm thanh điệu tiếng Việt là cao độ (bằng trắc, cao thấp...), nhưng năm 2003 tác giả Andrea Phạm Hòa bảo vệ luận án tiến sĩ ở Mỹ và công bố cuốn sách phủ định điều này...
"Tri thức khoa học không dừng lại, rất có thể những điều cách đây 40 năm GS Hồ Ngọc Đại cho là đúng thì giờ đã được thay thế", ông Lợi nói.
Dạy đánh vần bằng tiếng chân không về nghĩa là trái quy luật nghe nói
Cơ sở ngôn ngữ học của dạy đánh vần, theo GS Lợi, cần quan tâm trước hết đến cơ chế nghe hiểu và tạo sản (tức phát âm các tín hiệu âm thanh) của trẻ. Các nhà ngôn ngữ thế giới đã nghiên cứu và chỉ ra rằng việc hình thành thói quen cảm thụ, nghe hiểu và phát âm của trẻ em luôn đi kèm với phát triển vốn từ vựng. Khi nghe một chuỗi âm thanh, não bộ sẽ phân tích, khu biệt từng âm tiết và giúp trẻ hiểu các âm tiết/từ đơn đó trong trường hợp cụ thể.
"Trẻ không bao giờ có thể nghe, cảm thụ và phát âm lại được một âm hoàn toàn trống nghĩa, trừu tượng. Theo quan điểm này, tôi cho rằng, việc dạy học sinh đánh vần các âm tiết chân không về nghĩa như tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thực hiện, là trái với thực tế hình thành kỹ năng nghe nói của trẻ em", GS Lợi nói.
Chuyên gia ngữ âm tiếng Việt đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng rằng quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp.
Dạy đánh vần đi từ khái niệm trừu tượng ngữ âm không phù hợp với năng lực ngôn ngữ của trẻ 6 tuổi
Việc dạy đánh vần tiếng Việt đi từ âm đến chữ theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là dựa trên quan điểm tâm lý sư phạm. Các tác giả chủ trương phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh, dạy học sinh từ trừu tượng đến cụ thể, tức là từ khái niệm âm vị học đến chữ viết, ông Lợi phân tích."Tuy nhiên, trong tâm thức trẻ 6 tuổi, hệ thống ngữ âm, âm vị học chưa hoàn thiện. Do vậy việc đánh vần bắt đầu bằng khái niệm ngữ âm, âm vị học, tôi cho rằng không thích hợp với năng lực của trẻ 6 tuổi", ông Lợi phân tích.
Giáo sư đồng thời chỉ ra rằng, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chú trọng phân biệt âm là vật thật, chữ là vật thay thế. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học sự phân biệt này chỉ mang tính tương đối vì xét cho cùng ngôn ngữ - âm thanh cũng là hệ thống tín hiệu để thay thế cho khái niệm trừu tượng nào đó.
Không chỉ gây khó khăn cho trẻ 6 tuổi khi học đánh vần bắt đầu từ các khái niệm của ngữ âm học, GS Nguyễn Văn Lợi cho rằng nó còn không dễ đối với người lớn không có hiểu biết về âm vị, ngữ âm. Những người biên soạn tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng gặp khó khăn khi giải thích các khái niệm, thuật ngữ trừu tượng, phức tạp của ngữ âm, âm vị, bằng từ ngữ thông thường. Thực tế, nhóm tác giả của tài liệu này đã mắc sai sót khi đưa ra những khái niệm "chơi vơi, nửa vời giữa vấn đề khoa học và kiến thức thông thường".
Ví dụ, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục yêu cầu học sinh phân biệt âm và chữ, nhưng không giải thích được chính xác hai khái niệm này. Trong ngôn ngữ học, khái niệm "âm" có nhiều nghĩa như: âm thanh, âm tố, âm vị. "Làm thế nào để học sinh biết được khái niệm âm mà sách nói tới là âm tố hay âm vị?", GS Lợi nói và cho biết khái niệm "chữ" trong ngôn ngữ học cũng có nhiều cách hiểu.
Dạy đánh vần tiếng Việt từ chữ đến âm phù hợp với học sinh người Kinh và dân tộc thiểu số
Học sinh người dân tộc thiểu số có tiếng mẹ đẻ khác tiếng Việt - ngôn ngữ thứ hai về ngữ âm, từ vựng, chữ viết. Ví dụ, tiếng Việt có 126 vần trong khi tiếng Mông chỉ 12. Trẻ người Mông do đó rất khó khăn khi phát âm, viết tiếng Việt.
"Mô hình thích hợp để dạy trẻ em người dân tộc đánh vần là đi từ chữ đến âm, từ dạy cách dùng, cách viết các ký tự và kết hợp với dạy phát âm các âm vị, kết hợp chúng thành âm tiết", ông Lợi nói. Giáo sư đặt dấu hỏi với lời khẳng định của tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục về tính hiệu quả của tài liệu này, khi áp dụng với học sinh người dân tộc thiểu số.
Chuyên gia ngành ngữ âm học khẳng định, cách dạy đánh vần như sách đại trà (đi từ chữ đến âm) là phù hợp, thuận lợi hơn cho học sinh người dân tộc thiểu số và người Kinh, khi học tiếng Việt.
Mặt khác, tiếng Việt có những phương ngữ (ngôn ngữ địa phương) khác nhau, ảnh hưởng lâu dài đến kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của người học. Do đó việc tuyệt đối hóa mô hình dạy đánh vần đi từ khái niệm trừu tượng của hệ thống ngữ âm, âm vị học là không thực tế và không hiệu quả.
Trong phần kết luận, GS Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, mô hình dạy đánh vần tiếng Việt thích hợp nhất là rèn luyện đồng thời kỹ năng viết và đọc, có sự chú ý đúng mức đến kỹ năng đọc đúng, tùy theo phương ngữ, thổ ngữ. Về lâu dài, nên có chương trình dạy đánh vần riêng cho học sinh dân tộc thiểu số.
Trường Thực nghiệm đào tạo học sinh tốt không đồng nghĩa tài liệu dạy đánh vần tiếng Việt tốt
Sau hai giờ thuyết trình, GS Lợi dành 30 phút trao đổi với báo chí và các học giả. Trước câu hỏi nếu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục còn nhiều tồn tại, vì sao học sinh học nó vẫn đọc và viết tốt, ông Lợi phản biện: "Cháu tôi chẳng học gì về chữ, âm, phụ âm... vẫn đọc được". Vì đọc là quá trình ghi nhận tự nhiên, học sinh bản ngữ biết đọc không phụ thuộc vào việc đã được học đánh vần theo phương pháp nào. Việc phê phán của ông với tài liệu dạy đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại chỉ dựa trên quan điểm ngữ âm học.
GS Lợi đồng thời phân tích việc một số phụ huynh trường Thực nghiệm (Hà Nội) đánh giá con họ học chương trình của GS Hồ Ngọc Đại rất hiệu quả, không thể đại diện cho chất lượng của toàn bộ học sinh theo học tài liệu này. "Trong lập luận, không thể lấy uy tín để chứng minh hay dùng một người làm minh chứng cho triệu trường hợp", ông Đại nói.
Viện trưởng Ngôn ngữ học - GS Nguyễn Văn Hiệp giải thích thêm phát biểu của đồng nghiệp rằng việc đánh giá trường Thực nghiệm tốt không có nghĩa là tài liệu dạy đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại tốt. Ngược lại, tài liệu này không tốt không có nghĩa là trường Thực nghiệm không tốt. Bởi Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chỉ là một trong nhiều tài liệu của chương trình Công nghệ tiếng Việt, học sinh được học ở trường Thực nghiệm. Chất lượng đào tạo của một nhà trường còn phụ thuộc vào các yếu tố như: quan điểm giáo dục, môi trường học tập, ứng xử của giáo viên với học sinh...
PGS Nguyễn Tuyết Minh (chuyên ngành đối sánh ngôn ngữ) cho rằng, không cần thiết dạy trẻ đánh vần vì bản thân trẻ đã phát âm, đọc thành tiếng chuẩn. GS Nguyễn Văn Lợi trả lời rằng, trên thế giới có nhiều ngôn ngữ không đặt vấn đề học đánh vần. Tiếng Việt cũng có thể bỏ qua bước học đánh vần với một số đối tượng. Tuy nhiên, việc học đánh vần rất quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn trước 10 tuổi, vì nó hình thành, ổn định và cố định kỹ năng ngôn ngữ, giúp người học để biết nói và viết tiếng Việt chuẩn xác.
Theo VNE