Bác sĩ 'toát mồ hôi' khi mổ ung thư cho người béo phì
BSCK II Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết số bệnh nhân bị ung thư nhập khoa mỗi ngày một tăng và điều đáng nói là trong số đó có nhiều bệnh nhân bị béo phì.
Loại thực phẩm nào ngăn ngừa sự hình thành các tế bào ung thư?
Nhà dinh dưỡng học và bác sĩ Cynthia Sass mới đây đã gọi bông cải xanh là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất, giúp làm chậm quá trình lão hóa và chống lại một số bệnh nguy hiểm.
Choáng với cân nặng cả tạ
Chị Nguyễn Ngọc Ng, 35 tuổi, trú ở Bình Dương, nhập viện vì ung thư tử cung. Chị Ng. kể chị “béo bền vững” từ nhỏ. Khi vào viện, bác sĩ cho biết chị nặng 98 kg, vòng bụng 120cm.
Theo chị Ng., trước khi nhập viện 1 tháng, chị thấy ra máu âm đạo bất thường. Chị khám ở bệnh viện tuyến dưới và được chuyển thẳng đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Sau khi nhập khoa Ngoại 1 và làm xét nghiệm, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là ung thư nội mạc tử cung.
Lúc này, cái khó là bệnh nhân quá béo và các dụng cụ trong phòng mổ hỗ trợ cho người có cân nặng như chị Ng. cũng hạn chế.
Bác sĩ Tiến cho biết với những bệnh nhân béo phì, việc cắt tử cung đã là khó, nếu phải nạo hạch chậu thì càng khó hơn.
Hay trường hợp của bà Bùi Thị Hòa, quê ở Kiên Giang. Bà Hòa bị béo phì hơn 20 năm nay. Cân nặng của bà lúc nào cũng chạm ngưỡng 80-85 kg trong khi bà chỉ cao 1,50 mét. Trong lần kiểm tra sức khỏe gần đây nhất, bà phát hiện bị tiền ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm.
Ảnh minh họa. |
Béo phì và ung thư
Với những ca bệnh béo phì, bác sĩ thường "toát mồ hôi" khi tiến hành phẫu thuật. Trong ca mổ, các phẫu thuật viên phải lách dao qua lớp mỡ thành bụng. Ca mổ thường diễn ra vô cùng vất vả.
Bác sĩ Tiến cho biết béo phì là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư nội mạc tử cung. Theo bác sĩ Tiến, khi đề cập đến vấn đề béo phì, hầu hết chúng ta đều liên tưởng đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường... nhưng ít người nghĩ đến mối quan hệ giữa béo phì và bệnh lý ung thư.
Tuy nhiên, theo các số liệu của các tổ chức nghiên cứu về ung thư trên thế giới, người béo phì có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung, ung thư biểu mô thực quản, ung thư các vùng tâm vị ở dạ dày... cao gấp 1,5 đến 2 lần so với người bình thường.
Người ta thấy rằng ở những người béo phì, nguy cơ dẫn đến tình trạng viêm sẽ cao hơn những người có cân nặng bình thường, do đó nguy cơ bị ung thư cũng gia tăng.
Cơ thể phụ nữ có tình trạng dư mỡ sẽ sản xuất ra lượng estrogen dư thừa, dễ mắc các bệnh như ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng...
Người béo phì có nồng độ insulin và IGF-1 cao có nguy cơ bị ung thư ruột kết, thận, tuyến tiền liệt... cao hơn.
Do đó, bác sĩ Tiến khuyến cáo những người béo phì cần nỗ lực kiểm soát cân nặng và tầm soát sớm bệnh lý ung thư.
K.Chi