Cho gà vịt nghe nhạc, ốc ngủ gác bếp, nhiều nông dân thu tiền tỷ
Cho gà, vịt nghe nhạc, ngủ máy lạnh
Trước đây, anh Lê Xuân Nam (SN 1977) ở thôn Râm, xã Tự Lạn (Việt Yên, Bắc Giang) được nhiều người biết đến với mô hình nuôi vịt hiện đại. Quá trình nuôi anh còn cho vịt nghe nhạc hằng ngày. Với cách làm này, anh Nam thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Trước đây, anh cũng đã từng nuôi lợn nái sinh sản, gà đẻ trứng rồi nuôi lợn thịt với quy mô lớn.
Năm 2020, anh bắt đầu chuyển sang nuôi vịt. Khu trang trại gồm kho cám, các chuồng nuôi vịt và hơn 4 mẫu ao nuôi cá.
Trong đó, 3 chuồng nuôi vịt thương phẩm có diện tích hơn 4.000 m2 được anh đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy cho ăn uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi với chi phí đầu tư lên đến cả tỷ đồng.
Với kinh nghiệm chăn nuôi tích luỹ từ trước, khi chuyển sang nuôi vịt, vợ chồng anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kỹ thuật mới thông qua nhiều kênh, rồi đúc rút kinh nghiệm qua từng lứa vịt.
Ngoài áp dụng công nghệ hiện đại, trong quá trình nuôi vịt, anh Nam đã kết hợp cho vịt nghe nhạc hằng ngày. Theo anh Nam, vịt được nghe nhạc sẽ không bị stress và chạy nháo nhác khi người vào chăm sóc. Không vận động nhiều, vịt ít bị tiêu hao về trọng lượng cơ thể.
Một năm, anh Nam nuôi khoảng 5 lứa vịt, mỗi lứa khoảng 3 vạn con. Trong điều kiện bình thường, mỗi lứa vịt anh thu về hơn 800 triệu đồng, chưa kể lãi hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi lợn và cá.
Một mô hình nuôi gà ngủ máy lạnh và nghe nhạc đẻ trứng của anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1992, trú tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng được đánh giá là mô hình kinh tế mới khá độc đáo.
Với khu chuồng rộng rãi, thoáng mát với 12 nghìn con gà ác luôn có tiếng nhạc du dương, mỗi ngày, trang trại của anh cung cấp cho thị trường gần 4.000 quả trứng gà, thu về 10 triệu đồng.
Anh Thắng kể, trước khi mở trang trại gà, anh cũng từng khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn nhưng vì thời điểm đó còn thiếu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, lại vướng dịch bệnh, đàn lợn chết nhiều, anh Thắng tay trắng “ôm” đống nợ hơn 1 tỷ đồng nhưng anh không hề nản chí mà vẫn quyết “liều” lần nữa.
Trước khi bắt tay đầu tư, anh Thắng tìm hiểu thị trường và mô hình nuôi gà ác lấy trứng vì thị trường tiêu thụ tốt hơn và giá trị kinh tế cao hơn.
Nghĩ là làm, anh Thắng chuẩn bị hệ thống chuồng trại cùng hệ thống đèn sưởi, giàn mát đầy đủ với số vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Cuối năm 2021, anh Thắng bắt đầu nhập đàn gà giống đầu tiên từ Long An về.
Do thời tiết ở miền Trung khắc nghiệt vào mùa hè và lạnh rét vào mùa đông nên anh bật sử dụng hệ thống đèn sưởi vào mùa Đông; còn mùa Hè anh khởi động hệ thống quạt làm mát kết hợp phun tưới bên ngoài chuồng để giảm nhiệt.
Ngoài ra, anh Thắng còn cho lắp đặt hệ thống âm thanh, phát nhạc với mục đích để giảm đặc tính hiếu chiến của giống gà ác, giúp tâm lý của giống gà ác được ổn định hơn. Nhờ đó, trang trại gà của anh luon duy trì số lượng đàn ổn định
Trong số gần 10 tỷ đồng tiền đầu tư ban đầu, anh Thắng cho biết, quá nửa là tiền vay từ ngân hàng.Sau 7 tháng, lứa gà đầu tiên anh nuôi đã đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày trang trại thu 3.500 - 4.000 quả trứng.
Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày, trang trại gà của anh Thắng thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà.
Cho ốc "ngủ gác bếp" thu lãi hàng trăm triệu đồng
Mất 3 năm mày mò và tìm hiểu, mô hình nuôi ốc “ngủ gác bếp” của anh Lê Hồng Lâm (39 tuổi, ngụ tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) ra đời đã giúp anh thu hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về mô hình sản xuất "ốc gác bếp" theo quy trình công nghiệp, anh Lâm cho biết, để nghĩ ra cách làm ốc gác bếp "không khói", ban đầu anh sử dụng đất khô, trấu đến bao bố đậy cho ốc "ngủ" nhưng phương pháp này lại chưa bảo đảm vệ sinh khiến chất lượng thịt ốc không đạt hoặc ốc dễ hao hụt.
Anh tiếp tục mày mò và tìm ra được phương pháp mới, đó là hong khô "ốc gác bếp" trong phòng kín để con ốc tự rơi vào trạng thái "ngủ".
Sau một tuần ủ trong phòng kín, ốc đã chuyển sang trạng thái "ngủ". Lúc này, anh mới chuyển ốc sang kệ trong phòng mát cho ốc chuyển hóa năng lượng.
Ở trong phòng mát, ốc ngủ đến 3 tháng và duy trì nhiệt độ từ 35-37 độ, bên dưới lót rơm hút ẩm. Khi môi trường đủ khô ráo, ốc mới "ngủ".
Phần dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống trong thời gian "ngủ" triền miên. Phương pháp này giúp thịt ốc sạch, loại bỏ bùn dơ, tạp chất. Điều đặc biệt, vỏ ốc sẽ mỏng hơn sau nhiều tháng "ngủ" vùi.
Giai đoạn cuối cùng trong quy trình làm ốc gác bếp của anh Lâm là chuyển sang phơi ốc trên giàn, giúp vỏ ốc lên màu sáng, bắt mắt hơn. Mỗi giỏ ốc trọng lượng 1kg có giá từ 200.000 đến 250.000 đồng.
Được biết, mỗi tháng cơ sở làm "ốc gác bếp" của anh Lâm sản xuất khoảng 2 tấn, cung cấp qua cả kênh bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến. Ước tính doanh thu của cơ sở khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Hải Yến