Kỹ sư người Mông trồng dược liệu ở núi cao, 9x người Thái sở hữu hàng trăm loại lan rừng
Kỹ sư người Mông đưa cây dược liệu về ngọn núi cao nhất Nghệ An trồng
Tốt nghiệp ngành Nông lâm - Đại học Kinh tế Huế năm 2012, ban đầu Xồng Bá Lẩu (SN 1986, ở xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng nộp hồ sơ xin tuyển công chức nhưng không được, anh quyết định ở nhà làm kinh tế, lập nghiệp ngay trên quê hương.
Nơi anh ở có ngọn núi Pù Xai Lai Leng. Đây là đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc (2.720m), được ví như “nóc nhà” của miền Tây xứ Nghệ bởi có chiều cao vượt trội so với khu vực xung quanh.
Với kiến thức nông, lâm nghiệp anh đã được học, sau 1 thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, anh quyết định sẽ trồng cây dược liệu dưới tán rừng của đỉnh núi Pù Xai Lai Leng.
Năm 2017, một lần anh đến thăm bạn ở Mù Căng Chải (Yên Bái), khi thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều cây dược liệu trong đó có cây tam thất nên anh đã đưa cây tam thất từ Yên Bái về trồng dưới tán rừng.
Chàng trai Xồng Bá Lẩu kể, “vùng này không có cây tam thất đâu. Cách đây gần 5 năm, tôi đến thăm một người bạn ở huyện Mù Cang Chải và mua gần 1000 cây giống tam thất đem về trồng thử nghiệm dưới tán rừng này. Đến nay cây đã gần 5 năm tuổi, cao ngang đầu gối và bắt đầu có củ lớn bằng ngón tay cái
Xen giữa những cây tam thất, Xồng Bá Lẩu cũng trồng thử nghiệm một loài sâm bản địa. Loại sâm này được người dân nơi đây gọi là sâm Pù Xai Lai Leng. Giống sâm này được anh Lẩu mua của những thợ rừng địa phương được chừng 50 củ với giá 8 triệu đồng.
“Tôi hy vọng sẽ tạo ra những củ sâm tự trồng như người dân Nam Trà My (Quảng Nam) đã làm với sâm Ngọc Linh bởi tôi đã vào tận Nam Trà để học hỏi kinh nghiệm từ một bạn học cũ và quyết định học họ, trồng thử nghiệm loại sâm này. Loại sâm này cũng có giá trị kinh tế khá cao, loại 2 củ/kg được thu mua trên 30 triệu đồng”, Xồng Bá Lẩu chia sẻ.
Ngoài tam thất với sâm Pù Xai Lai Leng, anh Lẩu còn trồng hơn 1ha cây đương quy trên diện tích lúa rẫy.
“Nếu thành công, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho bà con dân bản cùng trồng, mong ai cũng biết trồng tam thất, cây sâm”, anh Lẩu cho hay.
Ngoài trồng dược liệu, để “lấy ngắn nuôi dài”, anh còn chăn nuôi thêm trâu, trồng đào và thu mua gừng của bà con trên địa bàn.
Trồng lan rừng, 9x người Thái sở hữu hàng trăm loài lan rừng
Vốn mê lan từ nhỏ, chàng trai Lô Văn Bình (SN 1991, trú bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) luôn ấp ủ ước mơ được sở hữu một vườn lan của riêng mình.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Bình tham gia nghĩa vụ quân sự. Thời gian trong nhập ngũ, Bình được học rất nhiều kỹ thuật nuôi và chăm sóc gia súc, gia cầm, trồng rau... Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Bình ra Bắc Ninh làm công nhân. Hai năm sau, khi đã có chút ít vốn, Bình trở về quê lập nghiệp, thực hiện ước mơ của mình.
Những ngày đầu trồng và chăm sóc hoa lan, Bình gặp không ít khó khăn do không nắm vững kỹ thuật, nên lan bị chết và hao hụt nhiều. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên sau hai năm, anh đã nắm bắt được nghề trồng lan, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa theo yêu cầu của mình.
Hiện vườn lan của Bình có hơn 200 chủng loại với khoảng 500 dò lan rừng lớn nhỏ như lan kiều, xí điệp, lan quế,... Có loại đơn thân trồng giò, loại thì thân thòng treo ngược hay những loại ghép lũa tinh tế với những nét riêng mê hoặc người xem.
Thông qua mạng xã hội và các diễn đàn hoa, anh đã tận dụng cơ hội giới thiệu lan của mình, từ đó nhiều khách hàng biết đến, liên hệ đặt hàng.
Hiện, trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, một năm vườn lan của Bình cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Song song với việc kinh doanh hoa lan, Bình còn phát triển mô hình nuôi dúi thương phẩm. Sau khi tìm hiểu một số mô hình thực tế ở các tỉnh, thấy dúi sinh trưởng tốt, có thể mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả nên anh đã mạnh dạn triển khai.
Quy trình nuôi dúi khá đơn giản, chuồng trại không tốn nhiều diện tích. Chuồng nuôi dúi được thiết kế bằng gạch men hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn của dúi đơn giản và dễ kiếm như bắp, sắn, tre…
Về quá trình sinh trưởng của dúi, Bình cho biết, khi dúi con nuôi được 6-7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 2-3 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg.
Chàng trai người Thái khởi nghiệp từ tre Việt
Lớn lên từ tre trúc, nhận thấy quê hương có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng cứ nghèo mãi, chàng trai người dân tộc Thái Thái Đăng Tiến (SN 1987, thôn Khe Choăng, xã Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An) quyết chí khởi nghiệp từ sản phẩm tre trúc quê nhà.
Tiến kể, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh theo học nghề tại trường Cao đẳng ở TP Vinh, Nghệ An, sau đó đi xuất khẩu lao động một thời gian. Tích lũy được ít vốn, anh quyết định về quê khởi nghiệp.
“Sinh ra và lớn lên giữa bạt ngàn tre, trúc, mét. Người trồng tre, mét thì rất vất vả và cực khổ mà thu nhập chẳng bao nhiêu.
Trước đây tôi đã từng kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, nhưng thấy nguồn tài nguyên gỗ ngày càng cạn kiệt, nguy cơ tàn phá môi trường, trong khi nguồn tài nguyên từ tre, trúc, mét thì hầu như vô tận do có thể tái sinh trong thời gian ngắn, là sản phẩm “xanh” đúng nghĩa.
Từ đó tôi nảy sinh ý tưởng chế tác các sản phẩm gia dụng, mĩ nghệ từ tre, mét... để tạo ra giá trị mới cho cây tre.
Tôi học hỏi kinh nghiệm của các bác đi trước về sản phẩm tre và bà con người dân tộc trên địa bàn và sáng tạo thêm một số ý tưởng”, chàng trai Thái Đăng Tiến chia sẻ.
Quyết là làm, Tiến bắt tay vào làm luôn thủ tục để thành lập Công ty Trà Lân BAMBOO (Tre Trà Lân), trụ sở được đặt tại thôn Châu Sơn, xã Châu Khê.
Để có một xưởng sản xuất, cần có các loại máy móc như máy luộc, máy sấy lạnh, một số máy cầm tay khác. Trong đó đắt nhất máy luộc và máy sấy, 2 máy đó mua hết khoảng 200 triệu đồng.
Theo Tiến, tre, trúc, mét rất dễ bị mối mọt, mục, nhưng nếu trải qua các thao tác gia công thì sẽ trở nên bền vững, có tuổi thọ rất tốt. Các cụ ngâm, phơi, sấy cho tre bền nên về cơ bản, Tiến học theo các phương pháp đó, cộng thêm công đoạn luộc nữa là bảo đảm về mặt độ bền
Ngày đêm ấp ủ, chế tác, Tiến và cộng sự mày mò quên ăn quên ngủ, hì hục phơi, sấy, đẽo gọt... bao nhiêu lần làm ra, rồi lắc đầu, vứt bỏ. Đến khi có được những sản phẩm tương đối ưng ý, Tiến và bạn bè mừng rỡ, xuýt xoa, tràn ngập cảm giác hạnh phúc và niềm tin.
Sau thành công bước đầu, khi sản phẩm được nhiều người khen ngợi vì ý tưởng độc đáo, tính thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng, Tiến cho biết tất cả chỉ là bước đầu. Công ty sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới, bao gồm cả trang trí nội thất bằng tre, xu hướng mới trong trang trí nội thất hiện nay.
“Thị trường cho sản phẩm tre trúc có tiềm năng rất lớn. Sau khi tôi giới thiệu những chiếc ấm, cốc, ly, tách, bình đựng hoa, cây cảnh..., nhiều người ngỏ ý muốn mua. Ai cũng muốn có sản phẩm tre mỹ nghệ đặt trên bàn để trang trí”, Tiến cho biết.
Tuy nhiên, để đón đầu được thị hiếu của khách hàng, Tiến và các cộng sự luôn sáng tạo, đổi mới ý tưởng sản phẩm nhằm đưa sản phẩm lên tầm cao mới có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Hải Yến