Cha mẹ cần trang bị những gì để bảo vệ con trẻ trên mạng xã hội?
Tranh thủ buổi sáng chưa đến giờ vào lớp là con lại vội vàng tạt qua một ứng dụng game nào đó. Nếu cha mẹ thắc mắc thì con cười xoà “chờ cô”.
Chị Nguyễn Thanh Hoa – Nguyễn Tuân, Hà Nội đau đầu với việc con nhỏ vừa học vừa chơi game, con lớn thì vừa học vừa online Facebook chat chít.
Chị Hoa cho biết bé lớn nhà chị học lớp 7, bé út học lớp 3. Cả hai bé đang phải học online ở nhà vào buổi sáng. Vì hai con cùng học nên mỗi bé sẽ học ở 1 phòng khác nhau. Chị Hoa đi làm chỉ biết tin tưởng con chứ không thể canh việc học của con suốt. Tuy nhiên, qua camera an ninh tại nhà, chị thấy con bé lớp 3 thường xuyên chơi điện tử. 8h vào học thì 7h30 con tranh thủ mở điện thoại, đăng nhập zoom và bắt đầu vào ứng dụng game nhoay nhoáy, lúc giải lao cũng thế. Còn bé học lớp 7 thì đăng nhập vào các ứng dụng mạng xã hội, thi thoảng vào các video trên mạng xã hội. Chị Hoa lo nhất là con bị cuốn vào các tin tức tiêu cực trên mạng xã hội.
Đau đầu vì con vừa học online vừa nhoay nhoáy vào mạng |
Trước đây, cả ngày con ở trường, đến tối bố mẹ mới cho con dùng ipad một chút để giải trí nhưng khi học onlien, còn được tiếp xúc máy tính, ipad nhiều hơn, chỉ khi đi ngủ hay lúc ăn uống mới không chơi game. Chị Hoa làm đủ cách từ hù doạ tới phạt, thu máy lại nhưng đều không thành công. Chị kiểm tra tài khoản Facebook của con thì con tự đăng ký theo hướng dẫn, đẩy năm sinh của mình xuống tận năm 2000 nên vô tư vào mạng xã hội không lo ai quản lý.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời đại số, việc cấm trẻ em tiếp cận mới điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng là điều không thể.
Mạng Internet là mạng xuyên biên giới, mỗi quốc gia đều có những hệ thống pháp luật riêng, mỗi nền văn hóa riêng. Việc quản lý mạng Internet luôn đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan nhà nước ở tất cả các chính quyền, kể cả ở những nước phát triển. Vì vậy, việc quản lý mạng Internet muốn đạt được hiệu quả cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người sử dụng.
Theo bà Nga, phụ huynh cần trang bị cho con các kỹ năng khi tiếp xúc với môi trường mạng. Trong thời gian đại dịch Covid-19 khó có các lớp học trực tiếp nhưng cha mẹ cũng cần tự trang bị những kiến thức cho mình. Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em hay các page của MSD, Lan toả yêu thương...
Nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gai 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình.
Hiện nay, Luật Trẻ em tại điều 1 quy định: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi", là cơ sở pháp lý để xác định độ tuổi của trẻ em. Thế nhưng, Luật Trẻ em và các văn bản liên quan không có quy định nào về việc trẻ em ở độ tuổi nào thì mới được tham gia mạng xã hội. Vì vậy, trên thực tế, có những trẻ 7-8 tuổi đã tham gia mạng xã hội. Hiện nay, các trang mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube (Google) hay Twitter, Whatsapp… đều quy định rõ độ tuổi được phép của người dùng từ khi bắt đầu mở tài khoản là 13 tuổi. Tại Việt Nam việc tuân thủ quy định này trên thực tế phần lớn chỉ dựa vào sự trung thực khi khai báo của người sử dụng chứ không có gì để xác định tính chính xác của việc khai báo.
Trong công cuộc bảo vệ trẻ em trong không gian mạng thì gia đình vẫn là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ mất an toàn trên mạng. Phụ huynh cần đồng hành với con em mình trong việc sử dụng mạng Internet, giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng mạng một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại.
K.Chi