Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng
Bên cạnh những tiện ích mà Internet mang tới cho trẻ, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại có thể sẽ bị vi phạm quyền riêng tư, hoặc tiếp cận thông tin độc hại.
Con tạm dừng đến trường và chuyển qua hình thức học trực tuyến, chị Phan Thị Hà - phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Việc con thường xuyên tiếp xúc với Internet thông qua việc học trực tuyến nhưng bố mẹ lại phải đi làm không kiểm soát được khiến tôi lo ngại cháu có thể sẽ quá phụ thuộc vào thế giới ảo.
Đặc biệt, thời gian qua, rất nhiều tin tức giả tràn lan trên mạng, khiến lứa tuổi học sinh khó có thể tự phân biệt, rồi nguy cơ con có thể bị tấn công khi tham gia các diễn đàn và bày tỏ quan điểm của mình trên đó”.
Cũng theo chị Hà, để đảm bảo con vẫn tham gia không gian mạng an toàn thì ngoài thời gian đi làm, vợ chồng chị thay nhau thường xuyên kiểm tra lịch sử máy tính để chắc chắn rằng, con mình không tiếp xúc với những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Còn anh Nguyễn Thế Hưng - phụ huynh có con học lớp 5 tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng thể hiện sự lo lắng khi để trẻ tiếp cận sớm với Internet.
“Các con vẫn còn non nớt và khó nhận biết đó là tin tức tốt hay xấu trong khi bố mẹ dù muốn nhưng cũng có những lúc không kiểm soát hết được. Tôi nghĩ rằng, bản thân các nhà mạng cần có biện pháp như tăng cường kiểm duyệt hoặc phân vùng truy cập đối với người dùng là trẻ nhỏ. Ngoài ra, những nội dung vi phạm cũng cần nhanh chóng được gỡ xuống, tạo môi trường mạng tốt hơn cho các cháu”, anh Hưng nói.
Ảnh minh họa |
Thời gian qua, không ít trẻ em đứng trước nguy cơ bị xâm hại từ môi trường mạng như bị tiết lộ bí mật đời tư, thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng. Bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo. Chịu tác động từ thông tin thiếu lành mạnh... Tuy nhiên, những nguy cơ này hiện chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Thực tế, với số lượng người sử dụng Internet lớn như hiện nay, việc trẻ em tiếp xúc với những tư liệu không phù hợp, kích động bạo lực là rất thường xuyên. Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ. Một trong những nội dung cần bảo vệ đó chính là bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Công tác này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính bản thân các em, gia đình cũng như toàn xã hội.
Chuyên gia chia sẻ, gia đình chính là xã hội thu nhỏ đầu tiên của trẻ, góp phần không nhỏ trong việc định hình nhân cách của các em sau này.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin trên Internet. Không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi.
Không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trên không gian mạng, hoặc khi truy cập các trang web, dịch vụ mạng lạ. Không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ…
Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho trẻ, cha mẹ cũng sẽ là người thầy đồng hành cùng các em đối mặt với những tác động tiêu cực của môi trường Internet. Trong khi đó, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Hơn nữa, việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em trên môi trường mạng nói riêng cũng chính là bảo vệ và phát triển đất nước, xã hội.
Hiện nay pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet trên cơ sở 3 nhóm quyền cơ bản: Quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ trên môi trường mạng; quyền bảo vệ thông tin, bí mật đời tư và quyền tự do tiếp cận thông tin.
Trẻ em cũng có những quyền của một công dân, được thừa nhận và tham gia vào nhiều hoạt động của đời sống, trong đó có hoạt động trên môi trường mạng. Trẻ em có quyền tự do tiếp cận Internet và cũng có các quyền được bảo vệ khi tham gia môi trường này. Mọi trẻ em đều có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ và không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Hiện nay quyền bảo vệ thông tin, bí mật đời tư ở trẻ em được đặc biệt chú trọng vì đây là nhóm yếu thế trong xã hội, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thể chất để có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi tác động, xâm hại đến mình.
Ngoài ra, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực.
Hoàng Thanh