Cần thiết nhanh chóng sửa Luật Phòng, chống rửa tiền
Quá trình tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền xuất hiện một số bất cập, chưa đáp ứng được theo những nội dung mới của Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 tạo hành lang pháp lý quan trọng quốc gia cho phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, thể hiện cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong tham gia và tuân thủ các điều ước quốc tế. Qua gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam có nhiều thành tựu quan trọng trong đó có hệ thống cơ chế chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực này dần được hoàn thiện, quy định phòng ngừa tội phạm tài trợ khủng bố, rửa tiền đã được tăng cường, tạo cơ sở pháp lý cho đàm phán kí kết thảo thuận quốc tế và phòng chống tối phạm xuyên biên giới.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện xuất hiện một số bất cập, chưa đáp ứng được theo những nội dung mới của Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2022 đã thông qua Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Báo cáo này nhận định khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của FATF và về hiệu quả thực thi phần lớn được đánh giá ở mức trung bình và thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF. Trong vòng 12 tháng, nếu không khắc phục những thiếu hụt, không thể hiện được sự tiến bộ, không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng, chống rửa tiền (gọi tắt là Danh sách Xám).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm rõ: “Một khi bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài, đồng thời các giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường.”
Để khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền.
Với tính chất cấp bách của vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo Quốc hội để đưa dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra dự án luật này.
Trong Tờ trình dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật gồm 4 Chương, 54 Điều (trong đó, bổ sung mới 09 Điều; sửa đổi 43 Điều và hủy bỏ 07 Điều; giữ nguyên 02 Điều. Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế, phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba; dự thảo Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, đối với hoạt động trung gian thanh toán…
Dự thảo Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền. Đánh giá rủi ro quốc gia là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cùng với đó, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro ngành hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực.
Tuân Nguyễn