Luật sửa đổi dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ rất cần thiết
Trao đổi với PV Infonet về nội dung luật phòng , chống rửa tiền về nội dung sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, luật sư Phạm Thu Hà – VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Trên cơ sở rà soát từ thực tiễn quản lý, ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức và để đảm bảo rõ ràng, Luật sửa đổi, bổ sung một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản, bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Về kỹ thuật, Luật đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng để dễ theo dõi và thực hiện.
Về thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn báo cáo, trong đó ngoài thời hạn báo cáo là tối đa hai ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh giao dịch, đối tượng báo cáo có thể lựa chọn thời hạn một ngày làm việc kể từ ngày đối tượng báo cáo chủ động phát hiện hoặc buộc phải phát hiện được giao dịch đáng ngờ xét theo hoàn cảnh thực tế khách quan diễn ra giao dịch đáng ngờ, khắc phục những vướng mắc của đối tượng báo cáo trong quá trình thực hiện.
Về giao dịch chuyển tiền điện tử: Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, đầy đủ các thông tin theo yêu cầu”.
“Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, thông tin, báo cáo của đối tượng báo cáo nhằm cụ thể các loại thông tin đối tượng báo cáo phải lưu trữ; quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp hồ sơ, thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đối tượng báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo nhằm phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo..
Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đàng, Nhà nước đối với công tác Phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc kế thừa thì Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Phòng, chống rửa tiền hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đa chiều, đa phương diện, hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp và tinh vi, tìm cách "trú ẩn" ở tất cả các lĩnh vực nhưng nhạy cảm nhất vẫn là ở lĩnh vực tín dụng – ngân hàng. Do vậy cần có góc nhìn tổng quan về thực trạng của hoạt động rửa tiền tại các tổ chức tín dụng và cần có giải pháp hữu hiệu nhất để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này
Nguồn tiền “bẩn” có xu hướng được đưa vào các quốc gia nơi hệ thống pháp luật dành ít sự quan tâm hơn cho việc kiểm soát nó. Sự xuất hiện của nhiều hơn một nền tài phán khiến cho việc phát hiện nguồn gốc phi pháp của tiền cũng như vấn đề xử lý là tương đối khó khăn và phức tạp.
Trước thực trạng đó, pháp luật Việt Nam cần thiết phải đáp ứng được những yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống rửa tiền, không chỉ để phù hợp với vai trò là thành viên của FATF mà còn để ngăn ngừa và phòng chống tội phạm rửa tiền có hiệu quả.
Trong nền kinh tế hiện đại, hệ thống pháp luật của các quốc gia có xu hướng đòi hỏi kiểm soát dòng lưu chuyển tiền tệ thông qua hệ thống các tổ chức tài chính, hầu hết các giao dịch lớn đều được yêu cầu phải thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua chúng.
Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau.Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, mà chủ yếu là các ngân hàng. Do đó, phòng chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng vì thế được đặc biệt quan tâm trong những năm qua và trong thời gian sắp tới.
Do đó, trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện những yêu cầu xác đáng của FATF để tránh nguy cơ có thể gây tổn hại đến uy tín và hoạt động động tài chính ngân hàng”, luật sư Thu Hà phân tích.
Để làm được những điều như trên, luật sư Thu Hà nêu quan điểm: “Trước hết, duy trì và tăng cường biện pháp nhằm đưa chính sách về một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn. Sau đó, tăng cường năng lực của Cục Phòng, chống rửa tiền trở thành một cơ quan đầu mối thực thụ trong việc thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó bao gồm cả các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục Phòng, chống rửa tiền hoàn thành nhiệm vụ”.
Hải Ngọc