Luật phòng, chống rửa tiền sửa đổi bám sát với chủ trương của nhà nước
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung về nội dung quy định đối tượng báo cáo khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa Hà Nội cho biết: “Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành, khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn nội dung này.
Quy định này phù hợp với thực tiễn triển khai xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đó đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu để xác minh thông tin khách hàng, đảm bảo an toàn, chính xác. Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của đối tượng báo cáo phải căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Đồng thời, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải bảo đảm tổ chức thuê xác minh phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật và đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh thông tin nhận biết khách hàng của tổ chức thuê. Việc thuê tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng thực hiện theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật có liên quan”.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng cũng phân tích: “Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba, là hoạt động được sửa đổi tên gọi từ hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật PCRT 2012, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về các yêu cầu đối với bên thứ ba, quy định rõ việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua bên thứ ba không loại trừ trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng.
Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (PEP): Luật bổ sung quy định về đối tượng PEP của tổ chức quốc tế, quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.
Về trách nhiệm của đối tượng báo cáo khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới: Luật quy định đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới trước khi đưa vào sử dụng; áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.
Đồng thời, trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật PCRT 2012, Luật quy định cụ thể Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát PCRT, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan, pháp nhân cung cấp thông tin.
Về minh bạch thông tin thỏa thuận pháp lý: Luật sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch thông tin của thỏa thuận pháp lý, theo đó quy định về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác phải thu thập, lưu giữ thông tin về bên ủy thác, bên nhận ủy thác, người thụ hưởng, các bên liên quan (nếu có) và cá nhân có quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác, có trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; cung cấp thông tin cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính trong quá trình duy trì mối quan hệ khách hàng với tổ chức, cá nhân này liên quan đến tài sản được ủy thác khi có yêu cầu.
Về cơ bản tôi tán thành và đánh giá cao Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống rửa tiền”.
Từ thực tế nêu trên, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm: “Nội dung của Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Việc bổ sung này là cần thiết nhằm điều chỉnh kịp thời các hoạt động mới phát sinh trong thực tiễn.
Luật PCRT quy định hai nhóm đối tượng báo cáo có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp PCRT, gồm nhóm các tổ chức tài chính (các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm…) và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính được chỉ định (luật sư, kế toán, công chứng…).
Đồng thời, đối tượng báo cáo có thể phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền và hoạt động tội phạm khác cho cơ quan chức năng để điều tra, truy tố, xét xử và kết án tội phạm rửa tiền và các tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền.
Quy định về các biện pháp PCRT cho đối tượng báo cáo tại Luật PCRT được sửa đổi, bổ sung phù hợp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCRT ở Việt Nam trong thời gian tới”.
Tiến Anh