Luật Phòng, chống rửa tiền 2022: Giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 thì giao dịch đáng ngờ là giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền.
Còn Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản nhận biết phải báo cáo bao gồm: Khách hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán.
Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính.
Số điện thoại do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không tồn tại số điện thoại này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
Giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
Giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan đến tổ chức, cá nhân có trong Danh sách cảnh báo.
Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với hoạt động kinh doanh, thu nhập của tổ chức, cá nhân này.
Khách hàng yêu cầu đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, theo Điều 33 của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về những dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực này để nhận biết giao dịch đáng ngờ như: Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan đến bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; giá giao dịch giữa các bên không phù hợp giá thị trường.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 gồm 4 Chương 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2021. Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/03/2023.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời Luật cũng kế thừa các quy định vẫn còn phù hợp của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, khắc phục các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hải Yến