Trong thời đại kinh tế số, hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi hơn
Cụm từ “rửa tiền” được hiểu theo nghĩa bóng, tức là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản có được từ hành vi phi pháp, tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) – người từng bảo vệ pháp lý cho ông Nguyễn Văn B (50 tuổi, ở Ninh Bình) cho biết: “Với vị thế và vai trò của một quốc gia đang phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến của tội phạm “rửa tiền”.
Những hành vi “rửa tiền” lại có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vĩ mô như thế nào? |
Cụm từ “rửa tiền” được hiểu theo nghĩa bóng, tức là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản có được từ hành vi phi pháp, phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”.
Hiểu đơn giản, rửa tiền chính là cách thức để hợp pháp hóa tài sản có được từ nguồn gốc phi pháp, không rõ ràng. Với đặc điểm và tính chất của hành vi, rửa tiền không chỉ được quy định trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, nó còn được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế, ví dụ như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.
Theo luật sư Hoàng Tùng, hành lang pháp lý về vấn đề rửa tiền tại Việt Nam cho tới thời điểm này được đánh giá là khá đầy đủ, gồm có: Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, BLHS sửa đổi, bổ sung 2017; Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Thông tư số 20/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền. Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Văn bản hợp nhất số 40/VBHN-NHNN 2019 Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền…
Tuy nhiên, với tính chất phức tạp và xuyên quốc gia của loại tội phạm này, Cục phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp nhận, phân tích và xử lý hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Một số vụ án liên quan đến “rửa tiền” có thể kể đến như: Vụ án Trung tá công an phạm tội rửa tiền, có liên quan tới trùm buôn lậu Mười Tường (2022). Vụ án Nhật Cường Mobile (2019). Vụ án rửa tiền tại Địa ốc Alibaba (2019). Vụ án rửa tiền thông qua đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ (2018)…
Những hành vi “rửa tiền” lại có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vĩ mô, gây ra sự bất ổn của thị trường tài chính và trật tự an toàn xã hội, các chính sách và chiến lược kinh tế - xã hội vì thế cũng không còn phát huy tác dụng.
Ngoài ra, luật sư Hoàng tùng cũng phân tích: “Hành lang pháp lý đầy đủ là vậy, nhưng với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay đang tỉ lệ thuận với mức độ tinh vi và chuyên nghiệp của tội phạm rửa tiền, pháp luật cần bám sát để tránh tình trạng khó xử lý được trong thực tiễn.
Chính pháp luật cần phải dự liệu được những trường hợp có thể xảy ra để giúp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Như vậy, pháp luật cần đề cập rõ hành vi rửa tiền, nhất là rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử. Trong thời đại nền kinh tế số, hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi hơn khiến cho hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh mẽ để kiểm soát, xử lý hành vi này”.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm: “Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 hiện đang tập trung vào ngăn chặn, xử lý đối với hành vi rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi thực tế, hành vi rửa tiền có thể diễn ra ở nhiều nguồn, nhiều “kênh” khác nhau như kinh doanh, bất động sản, chứng khoán, thương mại điện tử,…
Cần sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống rửa tiền 2012 quy định riêng tội phạm rửa tiền qua từng “kênh” khác nhau, mở rộng phạm vi tội phạm rửa tiền có thể hoạt động để đảm bảo không “lọt lưới” tội phạm.
Ngoài ra, nhắc đến vấn đề trách nhiệm, cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong hoạt động này. Cần luật hóa trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp lãnh đạo và cả nhân viên thuộc tổ chức tín dụng.
Điều này giúp nâng cao ý thức tự giác, tinh thần cảnh giác của từng chủ thể trong tổ chức tín dụng, tránh tình trạng dù cố ý hay vô ý tiếp tay cho tội phạm rửa tiền.
Một điểm nhỏ nhưng cũng vô cùng quan trọng và là yếu tố thuận lợi cho tội phạm rửa tiền phát triển, đó chính là Việt Nam hiện nay còn là quốc gia có tỉ lệ trao đổi tiền mặt trong thị trường cao, người dân sử dụng tiền mặt trong đa số những giao dịch, phương thức thanh toán điện tử chưa thực sự phổ biến như các quốc gia phát triển.
Vậy nên, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động giao dịch trên không gian mạng (Luật Quản lý Thuế, Luật Kinh doanh Bất động sản, Pháp luật liên quan tới tiền ảo,…), thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt, “xóa sổ” yếu tố có lợi của tội phạm rửa tiền”.
Tiến Anh