Vai trò của các tổ chức tài chính trong hoạt động PCRT động vật hoang dã
Đó là nhận định của bà Trần Thị Hoài Thu - Phó Trưởng phòng Cục Phòng, chống rửa tiền, thuộc cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – tại hội thảo tập huấn với chủ đề “Phòng, chống tội phạm rửa tiền từ buôn bán trái phép động vật hoang dã” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức mới đây.
Theo bà Trần Thị Hoài Thu, tổ chức tài chính cần hết sức kỹ lưỡng trong rà soát khách hàng, giao dịch, để phát hiện và kịp thời báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép khi phát sinh.
Đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền cho rằng tổ chức tài chính cần tăng cường nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng đối với các trường hợp khách hàng lần đầu mở tài khoản, lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính hay khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo.
Cụ thể như, khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó, cần khẩn trương rà soát thông tin nhận biết khách hàng, thông tin nhận dạng khách hàng, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng như mục đích của khách hàng trong mối quan hệ với đối tượng báo cáo.
Hiện nay các tổ chức tài chính có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua các giấy tờ tùy thân của khách hàng như Giấy CMND, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép thành lập tổ chức,….
“Ngoài ra, khi nghi ngờ hoặc có cơ sở để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có liên quan tới rửa tiền, các tổ chức tài chính cần báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố bằng cách truyền file điện tử hoặc gửi báo cáo giấy. Thời hạn báo cáo được quy định là 48 giờ kể từ thời điểm phát sinh giao dịch, đặc biệt cần báo cáo ngay trong ngày phát hiện dấu hiệu đáng ngờ...” bà Trần Thị Hoài Thu cho hay.
Theo bà Sirirut Rattanamongkolsak, Điều tra viên cao cấp thuộc Cục Phòng, chống rửa tiền Thái Lan, trong khu vực và tại Việt Nam, thủ phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thường tự rửa các khoản tiền thu được, trà trộn các khoản tiền hợp pháp và bất hợp pháp, mua bất động sản, hàng hóa xa xỉ và các tài sản điện tử.
Các đối tượng này thường sử dụng các trang thương mại điện tử và kênh truyền thông mạng xã hội để thanh toán trực tuyến và qua tiền điện tử.
Bên cạnh đó, các ngân hàng và các hệ thống chuyển tiền thường được sử dụng để chuyển tiền từ người mua sang người bán và chuyển tiền tới những người đứng đầu tổ chức. Vì vậy, bà Siriut cho rằng việc phát hiện ra những đặc điểm chính trong báo cáo đối tượng là hết sức cần thiết.
Ngân Giang