Bình Thuận: Giáo dục văn hóa học đường qua hoạt động của các câu lạc bộ kỹ năng sống
Tỉnh đoàn Bình Thuận cho biết sẽ tổ chức công tác giáo dục văn hóa học đường qua hoạt động của các câu lạc bộ kỹ năng sống, câu lạc bộ cán bộ đoàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân.
Kết hợp dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả thể chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên… Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp…
Ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để học sinh, sinh viên các trường học được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi, bãi tập công cộng...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tăng cường, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp tăng cường văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Công an tỉnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục hướng dẫn tập huấn, trao đổi thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội trong trường học.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội liên quan phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác xây dựng văn hóa học đường.
Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức công tác giáo dục văn hóa học đường qua hoạt động các câu lạc bộ kỹ năng sống, câu lạc bộ Cán bộ đoàn, câu lạc bộ Tổng phụ trách Đội; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử văn hóa cho thanh niên, học sinh, sinh viên…
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc thành lập tổ tư vấn tâm lí tại các cơ sở giáo dục sẽ trang bị tốt kĩ năng sống cho học sinh, kịp thời nắm bắt những khó khăn của học sinh, giúp cho các nhà trường sẽ kịp thời xử lí. Những mâu thuẫn của học sinh được giải quyết kịp thời sẽ giúp giảm thiểu việc xảy ra bạo lực học đường.
Thành lập tổ tư vấn tâm lí tại các cơ sở giáo dục cũng là hướng đi mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.
Được biết, trong năm học tới, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện các giải pháp để xây dựng văn hóa học đường và quy định về ứng xử văn hóa trong các trường học.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ cũng cho biết sẽ tích cực triển khai đưa vào thực tiễn các quyết định về văn hóa ứng xử. Trên cơ sở đó, các nhà trường sẽ thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của mình, cập nhật tất cả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành, triển khai trong tất cả các thầy cô giáo, học sinh. Nếu làm tốt, thì đây sẽ là mắt xích quan trọng để tất cả các chủ trương sẽ được phổ biến, quán triệt đến cán bộ giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lí học sinh từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Hoàng Thanh