Giải pháp nào thực hiện hiệu quả văn hóa học đường?
Văn hóa học đường có vai trò quan trọng trong các trường THPT, giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và kiến thức, phát triển khả năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Để thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cần tập trung một số giải pháp cụ thể như sau:
Đầu tiên phải kể đến việc nâng cao nhận thức về văn hóa học đường trong đội ngũ quản lý và giáo viên nhà trường. Đội ngũ quản lý của các nhà trường chính là Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, trưởng các bộ môn.
Một ngôi trường có thành tích tốt thì vai trò quản lý của đội ngũ cán bộ này rất quan trọng. Vì vậy, cần phải xây dựng đội ngũ quản lý vững mạnh, có được như vậy cần phải có những giải pháp lựa chọn đúng người.
Đối với giáo viên, là người trực tiếp truyền tải những kiến thức văn hóa và xã hội cho học sinh, vì vậy, đội ngũ giáo viên này cần phải thường xuyên được quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, do địa phương tổ chức về chuyên môn, về văn hóa học đường để giáo viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng về những kiến thức văn hóa cũng như xã hội để giáo dục học sinh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải thường xuyên và lâu dài.
Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện các văn bản về văn hóa học đường và tăng cường vai trò của nhà trường-gia đình và xã hội.
Bởi lẽ, các văn bản quy định về xây dựng văn hóa học đường có vai trò định hướng cho công tác xây dựng văn hóa học đường của mỗi nhà trường. Do vậy cần phải có những giải pháp nhằm hoàn thiện các văn bản quy định về xây dựng văn hóa học đường.
Ảnh minh họa |
Cùng với đó là cần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong nhà trường trước tiên cần tuyên truyền thông qua các biển hiệu, pano trong trường, xung quanh trường để cán bộ, công nhân viên, đội ngũ giáo viên và học sinh nhận thức được rằng nâng cao chất lượng văn hóa học đường là nhiệm vụ của tất cả mọi người, nhằm tạo ra một môi trường văn hóa học đường lành mạnh, giúp nâng cao chất lượng dạy và học của thầy cô và các em học sinh.
Các trường cũng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích tiêu biểu trong các phong trào, tạo nên môi trường văn hóa tốt từ đó mỗi cá nhân đều được hưởng lợi từ những thành quả của các phong trào đó.
Ngoài ra, các nhà trường cần phải xây dựng được một đội ngũ giáo viên, học sinh là những tuyên truyền viên, thường xuyên tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh những phương pháp nâng cao chất lượng văn hóa học đường, nhằm tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, sự kết hợp này có khả năng chống lại những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng lành mạnh, thân thiện và trong sáng.
Quan tâm đầu tư cho xây dựng môi trường văn hóa: Trước hết phải tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và đoàn viên thanh niên là học sinh. Giáo dục được thực hiện thông qua các môn học, từ đó giúp cán bộ, giáo viên và học sinh định hướng một cách rõ ràng mục tiêu học tập và lý tưởng nghề nghiệp, hình thành ở cán bộ, giáo viên và học sinh những ấn tượng sâu sắc, những giá trị tình cảm tốt đẹp đối với nhà trường, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, bồi dưỡng niềm tin của cán bộ, giáo viên và học sinh vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Tiếp đến phải xây dựng môi trường cảnh quan văn hoá, khuôn viên xanh - sạch - đẹp kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, lớp học, giúp giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường lớp, môi trường sống xung quanh. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên trường, lớp; phân công trách nhiệm cho các thành viên chăm sóc cây xanh, sửa chữa cơ sở vật chất; Thực hiện nội dung lồng ghép, tích hợp về giáo dục môi trường trong các môn học chính khóa cho các em học sinh.
Hoàn thiện công tác xây dựng văn hóa nhà trường: Phát triển nguồn nhân lực quản lý là một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng lên một ngôi trường đảm bảo chất lượng dạy và học, nguồn nhân lực quản lý tại các trường học cần phải là những người đủ tâm, đủ tầm, có năng lực quản lý tốt, chuyên môn vững vàng.
Các trường cũng cần tăng cường quản lý nền nếp dạy học và chất lượng dạy và học, trước hết là ở đội ngũ giáo viên, cần phải cải tiến nề nếp hoạt động của giáo viên nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nên hiệu quả giáo dục trong toàn trường. Nêu cao tinh thần trách nhiệm - lương tâm chức nghiệp của giáo viên, giáo viên phải luôn có ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Thực hiện tốt nền nếp dạy học với tinh thần trách nhiệm cao như lên lớp đúng giờ, không tùy tiện bỏ lớp bỏ giờ. Luôn tận tụy, trách nhiệm, yêu nghề, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh, chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy và giáo dục ở lớp được phân công.
Hoàng Thanh