Báo động nạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Trẻ em hiện đang là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc trên không gian mạng và cả bị xâm hại trên mạng xã hội.
Trẻ em nhất là tại các thành phố lớn được tiếp cận với internet từ rất sớm, có lẽ vì thế mà thế giới quan của trẻ không còn bị thu hẹp trong khoảng không gia đình, trường học. Trẻ có thể truy cập các nguồn thông tin đa chiều, ngập tràn trên internet về giáo dục, thông tin y tế, điều này giúp trẻ tăng khả năng nghiên cứu về mọi chủ đề quan tâm và giúp các em bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.
Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: tiếp cận từ điện thoại di động của cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận internet qua máy tính ở trường học (23,6%).
Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/trực tuyến (58,7%).
Các con số trên cho thấy, tại Việt Nam số lượng trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet khá cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học hành nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Số tỷ lệ phần trăm cho cả hai mục đích này khá tương đương.
Trong ba năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.
Trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời.
Những năm gần đây, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ đã dẫn đến những thách thức mới trong vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Các hình thức mới được áp dụng bao gồm: Tiền kỹ thuật số và nền tảng truyền thông mã hóa đầu cuối gây khó khăn cho lực lượng điều tra trong việc thu thập chứng cứ xâm hại tình dục.
Do đó các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng phải xem xét các xu hướng công nghệ mới, các hình thức xâm hại và kỹ thuật mới để hạn chế các rủi ro và đảm bảo khả năng ứng phó và xử lý tội phạm xâm hại theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa |
Nhận thức được những ưu điểm và phòng ngừa rủi ro trong thời đại phát triển công nghệ số, Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Chương trình này được xây dựng căn cứ trên nhu cầu thực tế, nhất thiết cần xây dựng một môi trường internet an toàn cho trẻ em. Một khảo sát đã được thực hiện nhanh với số lượng 1.025 trẻ em ở các độ tuổi, vùng miền khác nhau càng cho thấy mong muốn của người dân, đặc biệt các em nhỏ về nhu cầu sử dụng internet an toàn.
Tuy nhiên, để triển khai được các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan chính phủ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) mà đó là sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức (Unicef, Worldvisison, Childfund, MSD….), doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mỗi một đơn vị, một cá nhân đều đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cá nhân, cộng đồng trong việc tự bảo vệ mình, con em mình khi tham gia môi trường mạng để đảm bảo mỗi cá nhân được an toàn, bình đẳng khi sử dụng mạng internet.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng.
Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.
Hoàng Thanh