Hàng ngày trẻ em phải đối diện với nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội thế nào?
Mỗi ngày, trên mạng xã hội vẫn còn rất nhiều những video xấu độc. Trong khi người lớn chỉ quan tâm tới lượt like, lợi nhuận thì trẻ em sẽ là người gánh hậu quả vì các em còn quá nhỏ để có thể bảo vệ chính mình.
Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến hàng nghìn hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng internet. Còn theo số liệu từ Phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và trẻ em, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), trong 5 năm qua, có rất nhiều vụ xâm hại trẻ em bao gồm cả xâm hại trên mạng xã hội.
Như vậy, hàng ngày trẻ phải đối diện với vô số hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội. Một số hình thức có thể kể đến là: Trẻ em tiếp cận với quá nhiều thông tin giả trên mạng. Trên môi trường internet còn có rất nhiều trang web đen, độc hại tràn ngập xu hướng bạo lực hoặc hướng dẫn tìm hiểu các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma tuý, mại dâm) như: Hội những người thích đâm thuê chém mướn, bảo kê; Hội anh em mê bạo lực; Hội thích hút thuốc cỏ Mỹ...
Nếu trẻ em sử dụng mạng xã hội thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của người lớn sẽ rất đi vào các trang web đen độc hại này. Thậm chí, có người tin và làm theo hướng dẫn của các trang mạng gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.
Trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc trên YouTube |
Trẻ em cũng dễ dàng bị bắt nạt trên mạng: Việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời, trẻ có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về việc bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Khi bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều trẻ em đã không dám quay lại trường học và khó khăn trong việc hoà nhập cộng đồng.
Ngày càng nhiều trò chơi của trẻ em có kết nối internet dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ em. Những thông tin này theo quy định pháp luật của nhiều nước là thông tin không được thu thập, tuy nhiên việc thu thập thông tin của trẻ em diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia
Hiện nay, ngày càng phổ biến trên mạng đối với trẻ em là việc bị gạ gẫm về tình dục. Trong quá trình học trực tuyến do dịch bệnh COVID – 19 vừa qua tại Việt Nam nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp.
Thể lệ tham dự là trẻ chỉ cần gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì.
Nhiều khi những bức ảnh này được gửi đến cho chính những người bạn bè trong nhóm rồi lại được chia sẻ rộng đến tất cả mọi đối tượng sử dụng Internet.
Ngoài ra khi sử dụng mạng internet, trẻ em rất dễ truy cập vào các trang thông tin xấu, độc, nguy hại, thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong những phần mềm trò chơi, xem phim...dành cho trẻ em. Những trang thông tin xấu về nhiều vấn đề liên quan đến lừa đảo, tôn giáo, chính trị, thậm chí là tình dục, cờ bạc, cá độ...
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là phải hướng tới mục tiêu cơ bản như mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet mà không có nguy cơ và trẻ vị thành niên là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia.
Nhiều chuyê gia khuyên rằng ở lứa tuổi thiếu nhi, các cháu không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống.
Trước khi cho trẻ tham gia mạng xã hội, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của mạng xã hội đó đưa ra, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc để áp dụng vào thực tế.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, trẻ em cũng cần nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không nên tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không kết bạn với những đối tượng lạ; không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình; biết cách báo xấu khi nhận thấy thông tin không chính xác, tránh tham gia bình luận (khi bình luận nếu cổ xúy cho hành động xấu thì tiếp tục lan truyền, nếu đưa ra ý kiến trái chiều nảy sinh tranh cãi trên mạng, trong khi đó, nếu có nhiều người báo xấu thì Facebook sẽ tự động ngăn chặn thông tin đó), đồng thời thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại.
Hoàng Thanh