ASEAN, LHQ và Canada hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ
Hôm 23/11, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) và chính phủ Canada đã ra mắt Bộ công cụ hoạch định chính sách “Tăng cường chính sách dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của quốc gia do phụ nữ làm chủ và Kế hoạch hành động”.
Trao quyền cho phụ nữ mà đặc biệt là các nữ doanh nhân điều hành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) được xem là điều kiện tiên quyết để các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) thành công trong việc đạt được Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững và cam kết “không để ai bị tuột lại phía sau”. Do đó, các cơ quan MSME trong AMS đang ủng hộ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh bằng cách thực hiện các bước cụ thể nhằm cải thiện hệ sinh thái chính sách cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong ASEAN.
Ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho biết “Việc đảm bảo phụ nữ được trao quyền kinh tế không chỉ vì mục tiêu bình đẳng xã hội mà còn là cách tiếp cận chính sách quan trọng của ASEAN nhằm thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, toàn diện và bền vững. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những tiến bộ công nghệ và đổi mới xã hội đã mở ra cánh cửa cơ hội mới cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập mà một trong số đó là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh”.
Bộ công cụ được ESCAP phát triển với sự cộng tác chặt chẽ của tất cả 10 AMS. Bộ công cụ được thiết kế để giúp các nhà hoạch định chính sách tham gia thúc đẩy những doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, đặc biệt là các cơ quan phát triển MSME, đánh giá khoảng cách, nắm bắt cơ hội và thiết kế các biện pháp can thiệp tập trung vào giới thông qua các chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ trong khu vực ASEAN.
“Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo có thể là động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện, linh hoạt và bền vững của khu vực chúng ta, đồng thời chúng tôi đang nỗ lực loại bỏ các rào cản về thể chế, tài chính và năng lực mà nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn đang gặp phải. Bộ công cụ mà chúng tôi đang tung ra tập hợp những gì chúng tôi học được từ sự tương tác với hàng chục chính phủ và hàng nghìn doanh nhân thành một cuốn sách hướng dẫn thiết yếu để chuyển đổi hoạt động kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo và vì sự phát triển bền vững của khu vực ASEAN”, ông Kaveh Zahedi, Phó thư ký điều hành của ESCAP nói.
Bà Vicky Singmin, Đại biện lâm thời của Phái bộ Canada tại ASEAN, cho biết “Canada đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với ESCAP trong dự án Thúc đẩy Chương trình Phụ nữ khởi nghiệp (CWE) nhằm hỗ trợ xây dựng Bộ công này với sự cộng tác của Ủy ban Điều phối ASEAN về MSMEs. Việc hoạch định chính sách quốc gia liên quan tới giới nhằm đưa ra các chính sách và sáng kiến tốt hơn cho MSMEs để kích thích năng suất kinh tế quy mô lớn, tạo việc làm và cải thiện thu nhập hộ gia đình”.
“Bộ công cụ cũng có thể được sử dụng để thiết lập các khuôn khổ nhằm thúc đẩy việc đưa các điều khoản về giới vào các Hiệp định Thương mại Tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” bà Singmin nói thêm.
Bộ công cụ là Sản phẩm kinh tế ưu tiên dưới thời Campuchia làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2022 và được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 vào tháng Chín, sau đó được công nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41. Đây là một sáng kiến do Ủy ban Điều phối ASEAN về Doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa (ACCMSME) dẫn đầu và được ESCAP cùng chính phủ Canada tài trợ trong khuôn khổ “Chương trình Thúc đẩy Phụ nữ Khởi nghiệp”.
Theo nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam và ASEAN trước tác động của dịch bệnh Covid-19 của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), các DNVVN do phụ nữ làm chủ là chìa khoá để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện trên toàn ASEAN, song đây là một cơ hội lớn và chưa được khai thác.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nhân nữ đang tăng đều trong ASEAN với hơn 60 triệu phụ nữ trên khắp ASEAN đang điều hành các doanh nghiệp mà phần lớn là các DNVVN. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó đang đe doạ phát triển này.
Theo báo cáo kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy số doanh nghiệp phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực tăng lên từ 87% trong năm 2020 lên 93,9% năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2022, cả nước có 263.444 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Còn theo điều tra PCI 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 22,2%.
Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 còn khiến tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị giảm doanh thu năm 2020 so với 2019 là cao hơn tỷ lệ doanh nghiệp do nam giới làm chủ với mức tương ứng là 67,2% và 65%. Hơn 2/3 (69,3%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (6%) là có doanh thu tăng.
Minh Thu