Làn sóng Hallyu Hàn Quốc xâm nhập vào các nước ASEAN
Làn sóng Hallyu tại Hàn Quốc đã và đang được giới trẻ trên thế giới mà đặc biệt là các nước ASEAN hưởng ứng nhiệt tình. Làn sóng văn hóa Hallyu xâm nhập vào nước ngoài thông qua các sản phẩm văn hóa đại chúng như âm nhạc, phim ảnh, sách truyện và chương trình thực tế.
Hallyu phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 20 khi xuất hiện số lượng lớn người hâm mộ yêu mến và theo dõi thường xuyên các hoạt động và ấn phẩm văn hóa của Hàn Quốc mà nhất là nhóm thanh thiếu niên.
Theo Korea Herald, giá trị xuất khẩu văn hóa nhạc pop, phim ảnh, âm nhạc và các nội dung văn hóa khác của Hàn Quốc sang Việt Nam, Thái Lan và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là hơn 2,4 tỉ USD vào năm 2020, tăng 73,3% so với một năm trước đó.
ASEAN hiện đóng vai trò là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc với bằng chứng ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc.
Với dấu mốc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ tháng Hai năm nay, ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc đang tiến vào thị trường ASEAN.
Hiệp định RCEP chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, và trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.
Mối quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc hiện còn được mở rộng sang cả lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Vào tháng 3/2018, các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp giữa Cơ quan Sở hữu trí tuệ hai bên, đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Còn trong năm nay, bắt đầu từ ngày 14/11, Cuộc họp lần thứ 5 giữa Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN – Hàn Quốc được tổ chức trong vòng 3 ngày. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người đứng đầu Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc gặp mặt trực tiếp với 10 đại diện của Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm nâng cấp hệ thống sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phát triển nhanh của ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng đào tạo sở hữu trí tuệ.
Nói tổng quan, mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Hàn Quốc và ASEAN đang phát triển theo đường hướng tăng cường sự đoàn kết mang lại lợi ích cho các bên thông qua quan hệ hợp tác định hướng tương lai và chiến lược. Do đó, việc Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với các nước ASEAN là vô cùng cần thiết, cũng như thúc đẩy hai bên cùng hợp tác xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ tiên tiến.
Theo bà Lee In-sil, đại diện của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, nếu như văn hóa tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao cùng với sự hình thành của một hệ sinh thái tiên tiến, hệ thống sở hữu trí tuệ tiên tiến giữa ASEAN và Hàn Quốc sẽ được hình thành sớm hơn dự định.
Trước đó, từ ngày 29/8 - 8/9, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức khóa đào tạo tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho các thành viên thuộc ASEAN.
Khóa đào tạo được tiến hành theo hình thức trực tuyến, và thuộc dự án đào tạo toàn cầu của KOICA được thực hiện trong 3 năm bắt đầu từ năm 2020. Tham gia khóa học có các đại diện phụ trách về quyền sở hữu trí tuệ tại 7 quốc gia ASEAN gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Lào. Đây là những nước có mối quan hệ mật thiết với Hàn Quốc.
Giám đốc Viện Đào tạo sở hữu trí tuệ quốc tế Hàn Quốc, ông Tae-eung Kim cho biết thông qua khóa đào tạo, Hàn Quốc mong muốn tăng cường nhận thức và năng lực quản lý sở hữu trí tuệ tại các quốc gia ASEAN.
Minh Thu