5 tỷ USD đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong 3 năm
Thông tin được công bố tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) ở Hà Nội ngày 19/12 với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực về kinh tế.
Trong 11 tháng năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất của 11 tháng trong 5 năm trở lại đây.
Đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu đô-la đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ 2021, chứng tỏ một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị vốn đầu tư khởi nghiệp trong 2 năm 2020 và 2021 đạt gần 2 tỷ USD, vượt số vốn mà các quỹ đầu tư đã cam kết tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này.
Những yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm: Sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo…
Tại Diễn đàn năm nay, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2035 lên tới 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Đầy hào hứng, phấn khởi khi Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, song thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng thẳng thắn chia sẻ những ý kiến, đề xuất chính sách cho Chính phủ Việt Nam nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững; Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng và cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Thực tế thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp có đặc thù là rất nhạy cảm với các biến động và nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp phát triển và thành công nhờ sản phẩm công nghệ phù hợp, song cũng không ít doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn. Nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là phải luôn có phương án để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.
Với những chính sách kịp thời, hợp lý, Việt Nam sẽ đạt nhiều thành công trong các lĩnh vực công nghệ, tiến ra thị trường quốc tế trong tương lai.
Lam Anh