Tiếp tục phát triển thị trường lâm sản xuất khẩu
Ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 Tổng cục Lâm nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết, trong năm 2022, toàn ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Triển khai trồng rừng 259.615ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 105,9% so với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra…
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Xuất siêu ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.
Trước đó, ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị có buổi làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành nhằm duy trì được đà xuất khẩu.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 11 tháng năm 2022 ước đạt 15,57 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Hàn Quốc, chiếm trên 90% tổng kim ngạch.
Tăng trưởng xuất khẩu lâm sản sang Hoa Kỳ và châu Âu thấp hơn so với các năm do tỷ lệ lạm phát cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết, trong đó có các loại ván, sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam xuất sang các thị trường này.
Tăng trưởng giá trị xuất khẩu các sản phẩm có sự khác nhau. Các sản phẩm tăng trưởng mạnh gồm: Dăm gỗ tăng 60,8 %, viên nén gỗ tăng 74,8 % (một trong những nguyên nhân là do tác động của cuộc xung đột Nga -Ukraine dẫn đến nguồn cung khi đốt bị đứt gãy, nhiều nước châu Âu tiến hành tích chữ viên nén gỗ để sưởi ấm trong mùa đông).
Các sản phẩm tăng trưởng thấp gồm: Ván các loại giảm 13,9 %, sản phẩm gỗ tăng 1,5 %, lâm sản ngoài gỗ tương đương năm 2021.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã nêu hàng loạt khó khăn thời gian qua và có thể kéo dài sang những quý đầu năm 2023. Chẳng hạn như Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ván dán; Chính sách hoàn thuế VAT còn nhiều bất cập; Khó khăn trong quy định cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm từ gỗ rừng trồng trong nước, đảm bảo nguồn cung cho chế biến gỗ trong nước…
Cùng với đó là tình trạng tăng trưởng nóng trong ngành sản xuất viên nén, thiếu đơn hàng trong tháng 11 và 12/2022, dự kiến có thể kéo dài đến hết quý I/2023.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và sẽ đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời đưa ra nhiều giải pháp cùng tháo gỡ các khó khăn.
Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu để không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Năm 2023, toàn ngành Lâm nghiệp đề ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản khoảng 17,5 tỷ USD.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong năm 2023, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, và Quyết định số 327 ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Cùng với đó, ngành Lâm nghiệp sẽ chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế, phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế, các hiệp định đã ký kết.
Xuân Bách