Bắc Ninh đạt mức tăng GRDP cao nhất giai đoạn 2019 – 2022
Ngày 30/12, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh tổ chức buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Minh Giang, Quyền Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong năm 2022, tình hình kinh tế thế giới, kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh có nhiều biến động do chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraina và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép, nên tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực, giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm làm ăn, kinh doanh. Đây là một nỗ lực rất lớn của địa phương.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,39% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2019 - 2022. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 248.376 tỷ đồng, đứng thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 9 cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,52%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,49%; các ngành dịch vụ tăng nhiều nhất 13,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,83%.
Năm 2022, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế. Tính chung cả năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 6,89%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,91%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn so với nhiều năm gần đây, tăng 36,7% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tháng 11 đạt khoảng 78,6 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 11 tháng, xuất siêu 6,4 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 30.900 tỷ đồng, vượt 1,1% dự toán. Trong đó, thu nội địa vượt 0,1% dự toán, thu từ hải quan vượt 4,1% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 16.470 tỷ đồng, bằng 87,6% dự toán, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,94%, giảm 0,21% so với năm 2021.
Thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi và phát triển mạnh. Hoạt động vận tải, kho bãi phục hồi tích cực. Sự đầu tư đồng bộ, thay đổi mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng hiện đại cũng là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
“Trong năm 2022, toàn tỉnh đã có 2.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 10,9%), nhưng vốn đăng ký chỉ đạt 22,6 nghìn tỷ đồng (giảm 21,7%) cho thấy tâm lý thận trọng trong đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, Bắc Ninh cũng ghi nhận 837 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 21,5%) và 1.522 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 46,2%). Lũy kế đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư FDI (cấp mới và điều chỉnh) là 2.124 triệu USD, tăng 55,8% so với năm 2021, góp phần tạo lực đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế”, ông Vũ Minh Giang cung cấp thêm thông tin.
Cũng theo đại diện Cục Thống kê, trong năm qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Ninh đã được bảo đảm. Các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu của người dân. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cũng được giữ vững ổn định.
Mặc dù còn có những hạn chế về năng suất lao động, chất lượng tay nghề lao động… song về cơ bản trên địa bàn không bị thiếu hụt nguồn lao động.
Bên cạnh những thành quả đạt được trong năm qua, hướng tới năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh lưu ý: "Thời gian tới, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết các bài toán liên quan như đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền, vật tư cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh cũng như khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ….".
Lam Anh