Vụ TikToker Nờ Ô Nô: Tẩy chay mạnh clip phản cảm, tránh người ngộ nhận cách tốt kiếm tiền!
Mấy ngày nay, dư luận phản ứng gay gắt trước clip “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó” (nằm trong series “Một ngày tử tế”) của TikToker Nờ Ô Nô vì trong đó có những lời lẽ miệt thị người già, người nghèo khó như: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”, “Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?”...
Sau khi bị cộng đồng mạng tẩy chay thì đến sáng nay 28/11, tài khoản của Nờ Ô Nô (tên thật Phạm Đức Tuấn) đã bị khóa trên TikTok.
Liên quan đến nội dung này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã ghi nhận vụ việc và đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Tỏ ra bất bình với cách hành xử của TikToker Nờ Ô Nô nói riêng và một số TikToker làm clip "câu view", ông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) cho rằng: "Người bình thường khó có ai có thể chấp nhận và nói rằng đây là thứ nên làm chứ chưa nói đến người làm truyền thông như tôi. Hiển nhiên đây là một thứ rất không nên làm và không được quyền làm dưới bất cứ hình thức nào, vì bất cứ lý do gì”.
Ông Nguyễn Ngọc Long cho biết bản thân thấy rất mừng trước làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ Gen Z khi đã có bản lĩnh tẩy chay nội dung xấu độc trên mạng xã hội.
“Theo quan sát của tôi thì cộng đồng mạng đã lên tiếng mạnh mẽ để tẩy chay những nội dung này, yêu cầu chủ những clip - những bạn TikToker 'câu view bẩn' này phải gỡ video và lên tiếng xin lỗi các nhân vật trong clip cũng như xin lỗi cộng đồng, đồng thời yêu cầu không bao giờ được tiếp tục hành vi bất chấp để 'câu view, câu like' như vậy. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng”, ông Nguyễn Ngọc Long nhận định.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng có thể có một nhóm bạn trẻ nào đó thiếu bản lĩnh sẽ bị ảnh hưởng bởi những thông tin phản cảm như thế này.
“Ảnh hưởng đầu tiên là các bạn trẻ có thể bắt chước, coi đó như là một việc làm của một người nổi tiếng và họ làm theo.
Tiếp nữa trong clip đó không chỉ hành động tổng thể mà còn có cả những câu nói, hành vi rất nhỏ cũng không tốt. Có nghĩa là bạn trẻ không bắt chước chuỗi hành động đó nhưng bắt chước những câu nói rất vô văn hoá, thiếu tình người. Đây cũng là vấn đề hết sức nguy hiểm.
Ngoài ra, cái nguy hiểm nhất theo tôi đó là nếu chúng ta không lên án m mạnh mẽ những việc làm như thế này, các nhãn hàng không mạnh tay để ngưng hợp tác với những con người như thế này... thì sẽ trở thành 'tấm gương' về mặt kiếm tiền. Từ đó một số người sẽ ngộ nhận đây là một cách tốt để 'câu like, câu view, câu follow' để có tiền”, ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Do đó, để ngăn chặn những clip phản cảm trên MXH, ông Long cho rằng việc đầu tiên là các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan gián tiếp, trực tiếp đến những clip này cần lên tiếng một cách mạnh mẽ, có những động thái mạnh tay.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay "dọn rác" trên mạng của cộng đồng. Giới trẻ, đặc biệt là các bạn thế hệ Gen Z đang làm rất tốt việc lên tiếng phản đối những hành vi xấu trên mạng, điển hình như việc tẩy chay TikToker Nờ Ô Nô hiện tại. Để tẩy chay triệt để nhân vật này và các nhân vật khác "từ trong trứng" thì cần thêm sự “lên tiếng” từ doanh nghiệp.
“Tôi thấy rất ghê sợ khi có những nhà hàng, quán ăn sẵn sàng hợp tác để làm ra những clip PR bẩn. Mỗi người tự có một quyết định riêng nhưng bản thân tôi không bao giờ đặt chân tới những nhà hàng như vậy”, ông Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.
Đặc biệt đối với nền tảng mạng xã hội TikTok, ông Long cũng tỏ ra ngạc nhiên trước vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô bởi đây được coi như nền tảng kiểm duyệt nội dung rất chặt. Ông Long đưa ra dẫn chứng có những video mà cái áo, cái quần có logo rất nhỏ đã bị xoá nhưng không hiểu vì lý do gì mà một clip có nội dung phản cảm như vậy lại được tồn tại.
N. Huyền