Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Canada
Ông Jean Charest, nguyên Phó Thủ tướng Canada, nguyên Thủ hiến Quebec, nhận định Canada cần mở rộng sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam là điểm đến quan trọng.
Cũng theo ông Jean Charest, do cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là nước đầu tiên ở ASEAN mà các doanh nghiệp Canada cần nghĩ đến khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư tài chính, năng lượng sạch, thương mại nông sản và thực phẩm.
Những quan điểm trển được ông Jean Charest đưa ra trong Diễn đàn “Hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trong bối cảnh mới” do Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Canada phối hợp với Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam tổ chức.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Canada Trudeau vào tháng 11/2017, hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện để tiến tới hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và ngoại giao; thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; quốc phòng, an ninh; giao lưu văn hóa, học thuật; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; và quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Vào ngày 10/1 năm nay, Canada và Việt Nam thành lập Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế Canada - Việt Nam (JEC). JEC là một cơ chế không ràng buộc về mặt pháp lý dành riêng cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Canada và Việt Nam. Cơ chế này do cấp Thứ trưởng đồng chủ trì sẽ tạo cơ hội liên tục để thảo luận về các vấn đề thương mại. JEC là một đóng góp quan trọng cho mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn giữa Canada và Việt Nam, và được xem như một phần của quan hệ Đối tác Toàn diện.
Việt Nam là đối tác của CPTPP từ tháng 1/2019 và là đối tác kinh tế chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Canada trong khu vực.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015. Trong năm 2021, thương mại hàng hóa hai chiều giữa Canada và Việt Nam đạt 10,5 tỉ đôla Canada (7,67 tỉ USD), tăng từ mức 8,9 tỉ CAD (6,5 tỉ USD) trong năm 2020.
Xuất khẩu hàng hóa của Canada sang Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 660 triệu USD, giảm từ 738 triệu USD vào năm 2020.
Chính phủ Canada xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam là nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sạch, hàng không vũ trụ và khoa học đời sống.
Canada là đối tác tin cậy đối với sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Kể từ năm 1990, Canada đã đóng góp khoảng 1,7 tỉ USD viện trợ quốc tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực phát triển và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, phù hợp chặt chẽ với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam. Quan hệ đối tác mạnh mẽ về hợp tác phát triển giữa Canada và Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế toàn diện, đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân.
Mục tiêu phát triển của Canada tại Việt Nam là giảm nghèo và bất bình đẳng bằng cách hỗ trợ tăng trưởng vì lợi ích của người dân, bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Thông qua đó hỗ trợ phát triển chính sách và pháp luật toàn diện hơn, tinh thần kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ phát triển kinh doanh và tài chính.
Để xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả trước những thách thức toàn cầu cấp bách nhất hiện nay, Canada và Việt Nam hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Pháp ngữ; Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO); Liên Hợp Quốc (LHQ); Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO); và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Minh Thu