Việt Nam tham dự cuộc họp của HĐBA LHQ về tình hình Trung Đông
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp trực tuyến bàn về cuộc chiến chống khủng bố củ G5 Sahel và tình hình Trung Đông.
Hôm 18/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) tổ chức họp trực tuyến về hoạt động của Lực lượng chung chống khủng bố giữa 5 nước khu vực Sahel (G5 Sahel) và tiếp tục thảo luận về tình hình Trung Đông trước những căng thẳng đang tiếp diễn giữa Israel và Palestine.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix, Chỉ huy lực lượng G5 Sahel, đại diện của 5 nước G5 Sahel và Chủ tịch Ủy ban xây dựng Hòa bình LHQ đã báo cáo cũng như cập nhật về tình hình khu vực Sahel.
Binh sĩ của Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA). (Ảnh: MINUSMA) |
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, các quan chức cấp cao LHQ nhấn mạnh trước tình hình an ninh ngày càng diễn biến xấu sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố, binh sĩ gìn giữ hòa bình cần được điều động tới ngăn chặn các phần tử cực đoan ở khu vực Sahel. Điều này đồng nghĩa với việc cần có thêm nguồn ngân sách hỗ trợ, cùng sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Cụ thể, ông Lacroix và các báo cáo viên đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo khu vực Sahel thời gian qua, đặc biệt đối với các thách thức như khủng bố, bạo lực gia tăng, xung đột giữa các cộng đồng, tội phạm xuyên quốc gia, mất an ninh lương lực, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Các nước cũng lên án việc người dân, binh lính gìn giữ hòa bình và lực lượng an ninh các nước tiếp tục bị tấn công.
"Điều cần thiết là lực lượng chung chống khủng bố nhận được sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ đã được giao phó", ông Lacroix nhấn mạnh
Các báo cáo viên đã đánh giá cao những nỗ lực chống khủng bố của Lực lượng G5 Sahel và hoan nghênh sự hỗ trợ của các lực lượng khác như Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA), Liên minh châu Phi (AU), Văn phòng LHQ về Tây Phi và Sahel (UNOWAS) và Liên minh châu Âu (EU) cho Lực lượng G5 Sahel.
Về các biện pháp cần triển khai trong thời gian tới, các báo cáo viên nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện kết hợp các nội dung kinh tế, phát triển và nhân đạo trong giải quyết các thách thức nêu trên, kêu gọi hỗ trợ tài chính bền vững, lâu dài cho lực lượng G5 Sahel. Một số ủng hộ thành lập một Văn phòng LHQ hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố.
Các nước thành viên HĐBA LHQ nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tại khu vực trong các nỗ lực đẩy lùi khủng bố tại Sahel; bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo, nhân quyền, mất an ninh lương thực, người dân mất nhà cửa và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại khu vực.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cũng đã bày tỏ quan ngại về các thách thức an ninh, phát triển và nhân đạo tại khu vực Sahel, nơi ít nhất 300 người gồm các binh sĩ gìn giữ hòa bình đã mất mạng trong 3 vụ tấn công khủng bố quy mô lớn trong năm nay.
Liên quan tới vụ sát hại Tổng thống Chad Idriss Deby và âm mưu mưu sát Tổng thống Nigeria, Đại sứ kêu gọi tất cả các bên cùng nỗ lực, đoàn kết chống khủng bố và nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện cho các quốc gia Sahel nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân của khủng bố song song với thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ủng hộ sáng kiến của Niger, Kenya, Saint Vincent & the Grenadines và Pháp về việc thành lập Văn phòng của LHQ hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố.
Trước diễn biến xung đột giữa Israel và Palestine vẫn căng thẳng, cùng ngày, HĐBA tiếp tục thảo luận về nội dung này. Đây là lần thứ tư trong hơn một tuần qua HĐBA họp về chủ đề này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine, với số lượng thương vong ngày càng lớn cho cả hai bên, nhất là phía Palestine. Đại diện Việt Nam cũng thể hiện lo ngại về tình trạng nhân đạo ngày càng xấu đi nhanh chóng tại Dải Gaza do ảnh hưởng của bạo lực.
Trước khả năng tình hình tiếp tục leo thang thành chiến tranh quy mô lớn, Đại sứ Việt Nam kêu gọi HĐBA cùng các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực gia tăng các nỗ lực để giảm căng thẳng, chấm dứt bạo lực và tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Minh Thu