Việt Nam - Hàn Quốc mở rộng hợp tác trong chuỗi cung ứng công nghiệp
Hôm 5/12, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã ký tổng cộng 3 thỏa thuận, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Korea Times, Hàn Quốc và Việt Nam đồng thuận tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản cần thiết để sản xuất thiết bị công nghệ thông tin, pin xe điện, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường và dệt may.
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Với ba thỏa thuận, Hàn Quốc và Việt Nam đã đi đến thống nhất hai nước sẽ mở rộng hợp tác hơn nữa trong chuỗi cung ứng công nghiệp, trung hòa carbon và tạo thuận lợi thương mại thông qua giảm khí thải nhà kính, năng lượng sạch và mở rộng quy tắc xuất xứ, cũng như khoáng sản cốt lõi.
Về hợp tác khoáng sản lõi, hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác thăm dò và phát triển khoáng sản lõi tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư, ổn định nguồn cung và cùng nhau quản lý chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu.
"Kể từ khi Bộ trưởng Lee đề xuất tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi bao gồm cả đất hiếm trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam vào tháng Tám, ông Lee đã tiếp tục thảo luận về các cách hợp tác trong lĩnh vực này bằng cách cử một nhóm điều tra," Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho hay.
Việt Nam là một quốc gia giàu tài nguyên, có nguồn khoáng sản phong phú. Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng đất hiếm và thứ 3 về vonfram. Hàn Quốc có năng lực khai thác, tinh chế và nấu chảy các khoáng sản cốt lõi nên hai bên kỳ vọng hoạt động hợp tác sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp.
Đối với thỏa thuận hợp tác trong ngành điện, hai nước nhất trí hợp tác phát triển công nghệ đồng đốt amoniac và năng lượng gió ngoài khơi. Do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện than, sự phát triển của công nghệ đồng đốt amoniac dự kiến sẽ đóng góp lớn vào việc trung hòa carbon của Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên đã ký một thỏa thuận thực hiện các điều khoản cộng gộp có nguồn gốc Anh - Việt. Hiệp định sẽ cho phép áp dụng thuế quan ưu đãi ngay cả khi quần áo được sản xuất bằng cách gia công hàng dệt may của Hàn Quốc tại Việt Nam được xuất khẩu sang Vương quốc Anh trong tương lai.
Minh Thu