'Văn hóa học đường chính là những gì đang diễn ra trong trường học'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: “Văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường”.
Nói về văn hóa học đường trong cơ sở giáo dục hiện nay, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Người thầy chính là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng văn hóa học đường. Văn hóa học đường không tự nhiên sinh ra, con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, trong hàng nghìn năm dân tộc Việt Nam đã đóng góp cho nền văn hóa dân tộc sâu sắc, với tinh hoa được kết tinh từ đời này sang đời kia.
Trước yêu cầu đổi mới và sáng tạo trong giáo dục và đào tạo mà điều đầu tiên rất cơ bản để phát triển văn hóa học đường chính là bắt đầu từ người thầy. Muốn phát triển giáo dục và đào tạo thì phải quan tâm đến Văn hóa học đường – đây là sự thẩm thấu những hệ giá trị văn hóa ở trong hoạt động của nhà trường (hoạt động dạy và học)”.
Ông Thắng cho rằng, người thầy mẫu mực thì học trò sẽ mẫu mực. Bên cạnh đó, vai trò của nhà quản lý giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Không chỉ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà nhà quản lý giáo dục cũng phải là những người thầy. Đồng thời phải quan tâm đến cơ chế đãi ngộ một cách phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường tác động rất nhiều đến việc giữ gìn sự trong sạch môi trường giáo dục.
Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục – ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: “Nhà trường là nơi duy nhất bảo tồn và lưu giữ các giá trị của dân tộc. Chúng ta cần phải quan tâm đến cái đích cuối cùng của mỗi nhà trường, đó chính là những giá trị cốt lõi văn hóa.
Giá trị văn hóa sẽ quan trọng hơn so với các giá trị điểm số hay thành tích. Cho nên, vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục là rất quan trọng, bởi khi họ nhận diện được đích đến cho nhà trường, quản lý văn hóa ra sao”.
GS. TS. Nguyễn Mỹ Lộc nhấn mạnh: “Để phát huy được sự chủ động và sáng tạo của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục thì chính sách phải có sự thay đổi, phải có quyền tự chủ xây dựng các văn hóa học đường, tạo ra sự khác biệt và truyền thống cho riêng đơn vị của mình. Khi giáo dục ở cấp cơ sở nhận diện được điều đó sẽ thấy rõ được sự chuyển biến trong văn hóa học đường”.
Với mong muốn góp thêm một góc nhìn về văn hóa học đường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, văn hóa học đường là bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố liên quan nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm quy tắc ứng xử trong hoạt động dạy, học và các quan hệ ứng xử khác, khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa.
“Văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”, Bộ trưởng nói.
Từ cách nhìn nhận như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cách tiếp cận văn hóa học đường cần tổng thể và toàn diện, nhưng từ tổng thể cần xác định được những yếu tố cốt lõi, để khi ban hành chính sách tác động tới yếu tố đó. Trong đó, một trong những chính sách cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và tuân thủ nguyên tắc.
“Với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó, cho nên điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và làm thật tốt yếu tố tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có tiêu chí để hành động, có chỗ để thưởng phạt, khen chê.
Làm tốt được những phương diện này cũng sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.
Bộ trưởng cũng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa học đường trong rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững đất nước. Một nhà trường có nếp sống văn hóa lành mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp, sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái, tạo ra môi trường giáo dục tích cực, từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Định hướng tiếp tục xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về văn hóa học đường; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh; các nhà trường thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử; đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sinh hoạt Đoàn, Đội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối phụ huynh với học sinh, thầy cô với nhà trường.
Hoàng Thanh