Tưởng được làm thợ may lương cao, thiếu nữ và bạn không ngờ sập bẫy bọn "buôn người"
Sau 2/3 hành trình triển khai dự án tại 4 tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị- những địa bàn được coi là “điểm nóng” tình trạng tảo hôn và mua bán người, bà Hoàng Bích Ngọc, Điều phối viên dự án Em Vui (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho biết đã có rất nhiều tình cảnh đau lòng xảy ra.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bạn trẻ với mong muốn làm “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng "buôn người" đã lừa không ít thiếu nữ. Trường hợp của A. là một trong những vụ điển hình của nạn nhân bị mua bán. Cô bé chán học, muốn đi làm kiếm tiền. A. rủ mấy bạn nữ khác trong lớp bỏ học, bắt xe lên thành phố xin việc làm.
Ở bến xe, A. gặp một cô ăn mặc sang trọng, tay đeo vòng vàng. Cô mời A. và các bạn đi ăn cơm và nói công ty cô đang tuyển thợ may. Cô hứa sẽ dạy nghề đến khi biết làm và trả lương 6 triệu đồng 1 tháng. Không chần chừ, A. và các bạn đồng ý.
Đến thành phố, cô ta đưa A. và các bạn đến một quán karaoke, bắt các em phải tiếp rượu, phải chiều chuộng, làm theo ý muốn của khách để mua vui… Nếu không làm theo A. và các bạn sẽ bị đánh.
Chủ quán giữ chứng minh thư và điện thoại của A. và cấm em không được phép ra ngoài. Khoảng ba tháng sau, vào một đêm, khi ông khách đã uống rượu say, A. lén lấy trộm điện thoại của ông ta để gọi cho bố mẹ cầu cứu. Khi bố mẹ em đến quán karaoke để giải cứu A. và các bạn, thì chủ quán đòi gia đình phải nộp 100 triệu đồng nói là số tiền đã mua quần áo, đồ trang điểm, tiền nuôi A. trong thời gian qua.
Một trường hợp khác cũng éo le không kém. X. (15 tuổi, gia đình khó khăn) cả nhà chỉ có mấy mảnh ruộng nhỏ. Có một cô ở bản đến nhà X. và nói muốn giới thiệu X. cho họ hàng cô ở bên Trung Quốc lấy làm vợ.
Cô ấy nói anh ta là con một, gia đình giàu có, X. mà lấy anh ta thì sẽ sung sướng. Cô còn cho X. xem ảnh của anh ta. Trong ảnh trông anh rất đẹp trai và hiền lành. X. và bố mẹ đồng ý.
Thế nhưng, khi đến nơi thì X. mới ngớ người khi phát hiện người sẽ là chồng X. là một người đàn ông ngoài 50 tuổi chứ không phải thanh niên đẹp trai như cô đã từng được xem ảnh.
Bất hạnh hơn, nhà chồng X. rất nhiều ruộng, X. bị coi không khác gì người ở với rất nhiều công việc đồng áng phải làm mỗi ngày. Trong khi vẫn phải đáp ứng mọi nhu cầu tình dục của người đàn ông ngoài 50.
Trái ngược với X., D. là cô gái mới lớn cũng mong muốn có việc làm. Cô vào mạng xã hội Facebook tìm kiếm mấy trang tuyển lao động sang nước ngoài. Thấy có người kết bạn và nhắn tin cho D., người này nói rằng ở Đài Loan đang tuyển nhiều lao động, hàng tháng có thể kiếm 20 đến 30 triệu đồng.
Gia đình D. chỉ cần đặt cọc 50 triệu đồng cho công ty của anh, sang đến Đài Loan sẽ có người đón và giao công việc làm ngay.
Nhưng nhà D. không có tiền, anh ấy bảo công ty sẽ cho nợ, không lấy lãi, nên D. và gia đình đồng ý ngay. Sau đó, D. bị đưa sang Thái Lan, không phải Đài Loan rồi bị đưa vào làm việc trong sòng bạc, phục vụ cả ngày và đêm.
D. gọi điện cho anh kia, nhưng anh ấy bảo nếu không muốn làm thì trả lại tiền 50 triệu đang cho vay. Anh ta còn nói nếu D. bỏ việc thì sẽ tính thêm cả tiền lãi rất cao. D. không thể kiếm đủ tiền để trả cho anh ta nên đành phải tiếp tục làm việc.
Hay một trường hợp khác là P. cũng bị lợi dụng. Vì muốn sang Trung Quốc làm việc, nên P. đã xin giấy thông hành qua Trung Quốc để thăm thân. Nhưng sang đến nơi, P. trốn đi làm.
Biết P. là lao động chui, người bạn làm cùng đã lừa gạt và bán P. cho người chủ khác. Khi làm với chủ mới, P. bị đối xử tệ bạc. Đã hơn 2 tháng P. chưa được trả lương. P. năn nỉ, đòi mãi mà ông bà chủ không chịu trả tiền.
Không biết làm cách nào, cũng không biết nhờ ai giúp đỡ, vì là lao động chui thì không được pháp luật bảo vệ. P. quyết định về Việt Nam. Nhưng đang chuẩn bị quần áo để về, thì công an Trung Quốc bất ngờ ập đến bắt P. vì tội nhập cư lao động trái phép. Lúc này, P. mới phát hiện ra chính ông bà chủ là người báo cho công an đến bắt khi biết P. định về nước.
Đây là 4 trường hợp là nạn nhân trong số hàng nghìn trường hợp bị mua bán với hàng nghìn câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng này vẫn do kinh tế khó khăn và thiếu hiểu biết của các nạn nhân.
Do đó, bà Ngọc cho rằng để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bản thân mỗi người cần tăng cường hiểu biết, nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân.
N. Huyền